Đơn hàng xuất khẩu giày dép dần trở lại nhưng với tốc độ từ từ do các nhà nhập khẩu tiếp tục nghe ngóng sức mua của thị trường. |
Theo kết quả cuộc khảo sát trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2020 mà Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tiến hành với 457 nhà máy sản xuất tại Việt Nam và 27 nhãn hàng cho thấy, có 48% nhãn hàng tăng mua hàng ở Việt Nam trong thời gian tới, 50% còn đang lưỡng lự vì chi phí tăng.
Các nhãn hàng đang giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc và gia tăng đặt hàng tại các quốc gia ngoài Trung Quốc, đồng thời chấp nhận giá mua hàng ở các thị trường mới có thể tăng 8-15%.
Tuy nhiên, yêu cầu với các nhà nhập khẩu cũng khắt khe hơn, khi các đơn hàng đang nhỏ hơn nhưng yêu cầu giao hàng nhanh hơn, chỉ 60 ngày, thay vì 90 ngày như trước, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng.
Thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso cho biết, sau khi suy giảm mạnh vào quý 2 thì từ quý 3, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành giày dép đang dần phục hồi. Một số doanh nghiệp thông tin đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại..
Việc các đơn hàng da giày quay trở lại là nhờ Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt cũng như Việt Nam đã thu hút được nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành da giày vào đầu tư từ nhiều năm trước, đây là những yếu tố khiến các nhà mua hàng đặt niềm tin vào các nhà cung ứng.
Đơn hàng quay trở lại nhưng khá từ từ, do các nhà nhập khẩu còn thận trọng, nghe ngóng sức mua của thị trường, đặc biệt, mặt hàng giày dép được đặt hàng sẽ rơi vào nhóm hàng cơ bản. Điều này cũng được các DN không quá bất ngờ do đã có sự dự báo từ trước.
Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021là Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã có hiệu lực từ 1/8, tạo điều kiện để DN xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế.
Thống kê của Bộ Công Thương, sau 2 tháng thực thi EVFTA, giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Tổ chức ủy quyền đã đã cấp C/O mẫu EUR.1 cho ngành giày dép với kim ngạch đạt khoảng 392 triệu USD.
Theo bà Xuân, yêu cầu về xuất xứ đối với nhóm hàng da giày trong EVFTA không quá ngặt nghèo, hơn nữa trước đây các DN cũng đã thực hiện theo GSP nên đã có kinh nghiệm và khả năng đáp ứng. Điều này đã giúp da giày nhanh chóng tận dụng được ưu đãi từ hiệp định.
Được biết, để có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã lên phương án như tái cơ cấu bộ máy, sẵn sàng hạ tầng nhà xưởng, nguyên liệu nhằm đáp ứng theo các cam kết của Hiệp định, đồng thời tăng cường đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 12,078 tỷ USD, suy giảm 8,8% so với cùng kỳ, tương đương mức giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ, trong khi túi xách đạt 2,3 tỷ USD, giảm 16,4%, tương đương mức giảm 470 triệu USD so với cùng kỳ.