Các số liệu thống kê cho thấy, thành công trong việc kiểm soát Covid-19 ở Việt Nam đã giúp nhu cầu khách hàng phục hồi. |
Xuất khẩu gia tăng
Chỉ số sản xuất của nhiều ngành công nghiệp đang hồi phục, cộng với đơn hàng xuất khẩu trong tháng 10 gia tăng so với các tháng trước đang tiếp thêm hy vọng chặn đà sụt giảm xuất khẩu của một số ngành có kim ngạch lớn như dệt may, da giày, điện tử, thủy sản.
Mang về kim ngạch 22 tỷ USD trong năm ngoái, xuất khẩu của ngành da giày, túi xách có tác động rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu chung của nền kinh tế, bởi thế mọi biến động về đơn hàng đều được các hiệp hội và doanh nghiệp theo dõi khá chi tiết.
Theo báo cáo của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách (Lefaso), sau khi suy giảm mạnh vào quý II, từ quý III/2020, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đã dần hồi phục. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm.
10 tháng qua, xuất khẩu giày dép ghi nhận 13,4 tỷ USD, giảm 10,3%, trong khi túi xách là 2,55 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ. Đơn hàng xuất khẩu trong tháng 9 và tháng 10 đã phục hồi trên 10% so với các tháng trước.
Sau chặng đường 10 tháng, dệt may - ngành xuất khẩu 40 tỷ USD dự tính chỉ sụt giảm khoảng 3,5 - 4 tỷ USD, thay vì dự báo sụt giảm 6-7 tỷ USD trước đó.
Những yếu tố này đã góp phần tạo nên con số 26,7 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong tháng 10, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2019, xuất siêu 2,2 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng năm 2020, xuất khẩu ước đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,5%, chiếm 71,3%.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích và cung cấp dữ liệu IHS Markit, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã đạt 51,8 trong tháng 10, giảm nhẹ từ mức 52,2 của tháng 9, nhưng đây vẫn là sự cải thiện đáng kể của lĩnh vực sản xuất trong 2 tháng liên tiếp.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit phân tích, dữ liệu Chỉ số PMI mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất bắt đầu quý cuối cùng của năm với một nền tảng vững chắc và tình hình lạc quan sẽ tiếp tục chừng nào Covid-19 được kiểm soát tốt như thời gian vừa qua.
Các số liệu thống kê cho thấy, thành công trong việc kiểm soát Covid-19 ở Việt Nam đã giúp nhu cầu khách hàng phục hồi. Kết quả là, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh tháng thứ hai liên tiếp, từ đó sản lượng tăng theo ở mức độ tương ứng.
Vẫn chưa hết lo
Đơn hàng quay trở lại nhưng chưa nhiều, do các nhà nhập khẩu còn thận trọng, sức mua của thị trường còn yếu bởi thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chưa kể, dịch bệnh cũng khiến việc thanh toán đơn hàng chậm, rủi ro với các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, trước khi Covid-19 bùng phát, từ lúc giao hàng đến khi nguồn tiền trở về chỉ mất 60 ngày. Nhưng kể từ khi dịch bệnh hoành hành, việc thanh toán kéo dài hơn, gây khó khăn cho Công ty trong vấn đề quay vòng vốn.
“Việc khách hàng chậm thanh toán gây rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh đã khiến năng lực tài chính của Công ty bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi nguồn hỗ trợ từ trong nước là không có”, ông Trung nói.
Là doanh nghiệp xuất khẩu sợi lớn, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ dù xoay đủ cách cũng không tránh khỏi đà giảm. Lũy kế 3 quý đầu năm 2020, doanh thu thuần và lãi ròng của Sợi Thế Kỷ đạt gần 1.197 tỷ đồng và 75 tỷ đồng, tương ứng giảm 28% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện Sợi Thế Kỷ, nguyên nhân chính khiến kinh doanh của Công ty giảm mạnh là do Covid-19 làm cho nhu cầu sản phẩm dệt may sụt giảm. Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 130,5 tỷ đồng, lần lượt bằng 80,7% và 60,8% thực hiện năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng, Sợi Thế Kỷ mới chỉ đạt gần 67% kế hoạch doanh thu và gần 58% mục tiêu lợi nhuận của năm nay.