Chính phủ sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đ.T |
Cần gói kích thích kinh tế đủ lớn
Không nằm ngoài dự đoán, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo, là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, cũng như khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Và không quá khó để nhận ra, các ý kiến từ các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành chương trình này, nhằm sớm đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
“Để sớm khôi phục nền kinh tế sau Covid-19, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách cùng các nguồn lực thích đáng, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phục hồi sản xuất, hỗ trợ thu hút lao động trở lại làm việc”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) nói.
Trên thực tế, ngay trước khi Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV khai mạc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 và đưa ra tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, thì nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để triển khai hiệu quả chương trình này, Chính phủ sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022 - năm đầu tiên của giai đoạn phục hồi kinh tế.
Dự thảo Chương trình đề xuất một loạt nhóm giải pháp tổng thể, bao gồm giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; giải pháp về phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; giải pháp về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Với mỗi nhóm giải pháp, sẽ có nhiều giải pháp khác nhau để thực thi. “Dự thảo Chương trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự kiến kinh phí, phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Dồn lực cho phục hồi kinh tế
Chủ trương “dồn lực cho phục hồi kinh tế” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, để kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần có thêm nguồn lực phục hồi trở lại, mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Có hai hướng chính sách được ông Hoàng Văn Cường đề xuất, gồm cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp và bên cạnh các giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, thì cần ưu tiên “đặt hàng” các doanh nghiệp phát triển các tuyến đường sắt, cả đô thị và đường sắt Bắc - Nam, phát triển kinh tế biển và thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp 4.0.
“Vấn đề đặt ra là nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư mang tính đột phá”, ông Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi, rồi tự trả lời rằng, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm 2-3 điểm phần trăm so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2-3 năm, để có nguồn lực thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá.
“Chúng ta may mắn đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư, khi những năm qua chúng ta đã nỗ lực để đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp, còn 43,7% so với mức trần là 60%”, ông Cường nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) cũng đề xuất việc nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ quá trình vừa chống dịch, vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. “Tại Việt Nam, trần nợ công quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ mới đạt khoảng 44 - 45% GDP. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét nới nợ công lên khoảng 50 - 52% GDP”, ông Minh nói.
Trong khi đó, cùng với việc đặt câu hỏi “doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục lúc này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã dùng hình ảnh con tàu để “ví von”. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, có thể hình dung đoàn tàu kinh tế TP.HCM còn nguyên đầu tàu và các toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu, 8% thì đã về quê.
“Như vậy, chúng ta cần kinh phí để có thể mua dầu là đoàn tàu sẽ chạy trở lại. Khi tàu hoạt động trở lại, bán được vé, có tiền sẽ trả được nợ vay”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhận định. Theo tính toán của ông Nhân, cần khoảng 440.000 tỷ đồng vốn vay (làm vốn lưu động) để có thể khởi động lại hầu hết số doanh nghiệp ở TP.HCM.
“Với cả nước, chúng tôi kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ngoài các đề xuất trên, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm rằng, để phục hồi kinh tế, cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu nền kinh tế…