Du xuân qua thương mại điện tử
“Đi chợ” trên các trang thương mại điện tử là xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán được nhiều người lựa chọn thời gian gần đây. Thay vì đi chợ truyền thống, nhiều người tiêu dùng chọn sắm Tết trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức và có thể lựa chọn sản phẩm đa dạng hơn. Bên cạnh đó, vào dịp Tết, các trang thương mại điện tử thường có chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn.
Báo cáo của Decision Lab trong những năm qua về hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đều khẳng định xu hướng tiêu dùng trực tuyến gia tăng hàng năm, đặc biệt là từ trong và sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt 232.200 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 53,4% so với năm 2022 và dự báo tiếp tục tăng trưởng.
Năm 2024, lần đầu tiên, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM phối hợp với cơ quan, ban ngành tổ chức Ngày hội Mua sắm, giải trí Tết trực tuyến (HCMC online Tet Festival 2024) nhằm đẩy mạnh kênh thương mại trực tuyến trong dịp tết cổ truyền dân tộc. Sự kiện diễn ra từ ngày 19 đến ngày 30/1 tại Vạn Hạnh Mall, từ ngày 19/1 đến ngày 4/2 tại Hùng Vương Plaza và một số địa điểm trên địa bàn TP. Thủ Đức...
Ứng dụng công nghệ làm quà Tết, thiệp chúc Tết
Với sự phát triển của công nghệ số và nhu cầu đổi mới sáng tạo của con người, những món quà Tết với hình thức là các sản phẩm, dịch vụ công nghệ dần ra đời.
Tại Việt Nam, có thể kể đến bộ quà Tết phiên bản giới hạn “Đạp sóng hóa rồng 2024” của LocaMart và nghệ nhân làng nghề Bát Tràng Trần Ngọc Tùng, với tạo hình rồng độc bản. Bộ quà Tết này thiết kế ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), bao gồm lời chúc Tết và trải nghiệm rồng vàng 3D hiển thị trong không gian thực. Người sử dụng quét QR Code trong thiệp chúc Tết bằng điện thoại để truy cập. Bên cạnh mong muốn nâng tầm nông sản Việt, bộ quà Tết này còn mang ý nghĩa ca ngợi đất nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển công nghệ số, đi kèm là lời chúc vượt sóng hóa rồng trong năm Giáp Thìn 2024. Ngoài ra, mỗi bộ quà Tết đều được tặng kèm một thẻ NFT độc quyền Thẻ rồng vàng 2024 trên nền tảng OpenSea.
Thiệp chúc Tết cũng là một trong những cách trao gửi yêu thương nhân ngày đầu năm mới. So với thiệp mừng truyền thống, thiệp chúc Tết bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được gửi đi dễ dàng và nhanh chóng hơn. Hơn nữa, công nghệ cũng giúp tạo ra những tấm thiệp với nhiều phong cách khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại.
Công nghệ AI cho phép người dùng chuyển văn bản thành hình khối 3D, sau đó gắn những bức hình 3D sinh động như hoa đào, hoa mai, câu đối, thậm chí cả các nhân vật hoạt hình… lên thiệp. Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) giúp tạo lời chúc Tết hay viết một bức thư dựa trên mô tả của người dùng. Ngoài ra, công nghệ sáng tạo nội dung sẽ tạo ra video, có kèm âm thanh, âm nhạc cho mùa xuân thêm rộn ràng, ý nghĩa.
Ví dụ, trong năm 2023, Zalo đã phát động phong trào tạo thiệp bằng công nghệ AI: “Trí tuệ nhân tạo làm thơ, thay lời tâm sự ước mơ lòng mình”. Công cụ đã tạo ra nhiều lựa chọn về đối tượng, mục đích, màu sắc để phù hợp với yêu cầu nội dung và hình thức của người gửi. Thông qua đó, mọi người đều có thể trao gửi những tấm thiệp trực tuyến đến người thân, bạn bè, dù đang ở bất kỳ đâu.
Nhạc xuân AI
Làn sóng phát triển ca sĩ/nhóm nhạc ảo từ công nghệ AI không mới. Một số quốc gia đã tạo ra các “Idol” (thần tượng) ảo trên thị trường âm nhạc, như ca sĩ ảo Hatsune Miku (Nhật Bản), hay nhóm nhạc nữ ảo Mave (Hàn Quốc). Tháng 3/2023, BoBo Đặng ra mắt An - ca sĩ ảo đầu tiên tại Việt Nam.
Những bài hát về Tết cũng được xử lý bằng công nghệ AI. Cách phổ biến là sử dụng các mô hình học máy để tạo ra các giai điệu và lời bài hát mới. Các mô hình học máy này được đào tạo trên một tập dữ liệu khổng lồ các bài hát xuân truyền thống, từ đó tạo ra các bài hát mới có giai điệu và lời bài hát tương tự các bài hát xuân truyền thống.
Tại Việt Nam, công nghệ AI cũng được ứng dụng trong việc “cover” các bài hát nhạc xuân. Cụ thể, công nghệ AI cho phép bắt chước giọng hát của các ca sĩ. Một vài bài hát được tạo ra dựa trên ứng dụng AI có thể sao chép phần nào cách hát của một hoặc nhiều ca sĩ được chỉ định. Mặt khác, các nền tảng âm nhạc cũng bắt đầu tích hợp AI. Từ năm 2022, Zing Mp3 đã ra mắt tính năng tìm kiếm bài hát trực tuyến bằng AI.