Thời sự
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái phát triển kinh tế nhờ tín dụng chính sách
Nguyễn Duy - 24/09/2018 08:13
Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái tham gia phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu...

Gia đình anh Mùa Chù Vàng sinh sống ở bản Rào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải - nơi xa nhất, cao nhất của tỉnh Yên Bái, cũng là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Như nhiều hộ khác, gia đình anh quen với lối làm nương rẫy cổ xưa “chọc lỗ tra hạt” và cuộc sống nhiều thiếu thốn, đói cơm, lạt muối. 

Cách đây 5 năm, gia đình anh lần đầu tiên được tiếp cận đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Số vốn không lớn, chỉ 8 triệu đồng, nhưng đủ giúp anh chăn nuôi, trồng chè. Mới đây, gia đình anh được vay tiếp 30 triệu đồng của chương trình tín dụng hộ nghèo để mở rộng chăn nuôi. Hiện trong chuồng có 4 con trâu, 3 con bò sắp đẻ, trên đồi lên xanh mấy ngàn cây chè mới vào vụ thu hái. Có thu nhập, anh sửa nhà, sắm xe máy, ti vi…, cuộc sống đủ đầy hơn.

Nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình ông Sùng Chứ Cớ hiện có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi và sản xuất chè

Ngoài gia đình anh Mùa Chù Vàng, xã Kim Nọi còn có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông khác nhờ nguồn vốn chính sách vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Đó là gia đình chị Mùa Thị Luyến hiện có 1 ha cây sơn tra, đàn lợn thịt 12 con; hay hộ gia đình ông Sùng Chứ Cớ có 6 bò sinh sản, 6 trâu, đàn lợn 30 con, 2 ha cây sơn tra, 2 đồi chè, 1 xưởng sản xuất chè với công suất 5 tạ búp tươi/ngày, đem lại doanh thu cả trăm triệu đồng/năm.

Trong hơn 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cho vay trên 5.595 tỷ đồng phục vụ 327.475 lượt khách hàng vay vốn, dư nợ hiện tại đạt 2.635 tỷ đồng với trên 85.000 khách hàng.
Tính đến thời điểm 31/5/2018, dư nợ của hộ dân tộc thiểu số tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái đạt 1.654 tỷ đồng, chiếm 63% tổng dư nợ. Số khách hàng là người dân tộc thiểu số đang vay vốn tại Chi nhánh là 55.202 hộ, chiếm 64% số hộ vay vốn, dư nợ bình quân 30 triệu đồng/hộ.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp các hộ nghèo, hộ chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái hiện triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi bao cho vay phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; cho vay đảm bảo an sinh, cho vay tạo việc làm... Trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng lớn. 

Vốn vay được các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư vào chăm sóc, cải tạo, trồng mới hàng trăm ngàn héc-ta rừng, trồng chè, cây ăn quả; mua trâu, bò lợn và gia súc, gia cầm khác; mua máy móc, nông cụ. Đồng thời, mở rộng hàng chục ngàn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới. Đa số các hộ vay đã được cải thiện đời sống nhờ nguồn vốn của chương trình.

Nguồn vốn chính sách cũng giúp các hộ dân cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp các học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, Yên Bái là một tỉnh miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50% dân số. Do đó, bên cạnh các chương trính tín dụng chính sách nói chung, Ngân hàng đặc biệt quan tâm triển khai các chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, chương trình cho vay hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất.

“Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương rất quan tâm tới công tác giảm nghèo. Việc ưu tiên đầu tư các nguồn lực, trong đó có kênh tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở huyện nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, khắp bản xa, xóm vắng khởi sắc, đời sống của người Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng… được nâng lên”, ông Hải cho biết.

Tin liên quan
Tin khác