Thời sự
Đóng bảo hiểm xã hội: Không phân biệt doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước
Hải Hà - 29/12/2015 09:36
Từ 1/1/2016, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, việc đóng BHXH cho người lao động trong khối doanh nghiệp nhà nước sẽ dựa trên tiền lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Cơ chế này tương đương với cơ chế đóng của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin để triển khai luật bảo hiểm xã hội sửa đổi diễn ra chiều 28/12, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức.

Theo đó, các khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động cùng với lương sẽ là căn cứ thu bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bắt đầu từ năm 2016 sẽ không khác nhau về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội giữa người lao động trong và ngoài doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát, xây dựng và sửa đổi, bổ sung thang bảng lương, định mức lao động theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương. Thang bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng sẽ làm căn cứ thỏa thuận hợp đồng lao động, trả lương cho người lao động.  

Trước lo ngại mức đóng của khối doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên so với mức đóng theo hệ số lương trước kia, ông Trần Huy Liệu, Trưởng ban thu BHXH cho biết doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã xây dựng tiền lương và các khoản khác từ năm 1995 đến nay. Chỉ có doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh chưa thay đổi.

“Không thể nói doanh nghiệp khối nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh không kịp chuyển đổi bởi mặc dù NĐ 49 ra đời từ năm 2013 nhưng khối doanh nghiệp này có thời gian giãn thực hiện luật đến hết năm 2015. Như vậy, từ 2016, doanh nghiệp khối này mới phải tự có thang bảng lương. Khoảng 7.200 doanh nghiệp phải chuyển đổi theo thang bảng lương này. 2 năm qua, chúng tôi đã tuyên truyền cùng BHXH các địa phương làm việc với doanh nghiệp. Từ 2016, doanh nghiệp không chỉ xây dựng thang bảng lương mà phải tự cơ cấu vào thang bảng lương các khoản liên quan tới khoản nào là thỏa thuận với người lao động và những khoản khác . Thang bảng lương này sẽ phải gửi tới cơ quan quản lý lao động địa phương. BHXH dựa trên thang bảng này của doanh nghiệp để làm căn cứ thu BHXH...” Ông Liệu nói.

Nhiều ý kiến cũng đặt lo ngại mức nợ đọng BHXH sẽ tăng lên khi mức đóng mặc dù thấp như hiện nay nhưng tính đến thời điểm hiện tại mức nợ đọng năm 2015 là 9.300 tỷ.

Ông Liệu khẳng định, nếu doanh nghiệp trốn đóng không đảm bảo quyền lợi cho người lao động không chỉ cạnh tranh không lành mạnh mà câu chuyện ngoài thanh tra các đơn vị doanh nghiệp không đóng đầy đủ thì BHXH cũng sẽ thanh tra những doanh nghiệp đóng BHXH để rà soát so sánh với cơ quan thuế liên quan đến quyết toán thuế của doanh nghiệp và tình hình đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Từ 1/7/2016, bộ luật hình sự cũng có hiệu lực. Luật này quy định việc trốn đóng, chậm đóng, giả mạo đóng BHXH và BHYT sẽ bị xử phạt hình sự.

Với sự thay đổi này, dự kiến sẽ có 1.171 lao động sẽ được hưởng lợi khi nghỉ hưu với mức lương đúng thực chất hơn khi đóng bảo hiểm theo cơ chế này.

Tin liên quan
Tin khác