Chị Vương Thị Xuân ở thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) là người dân tộc Nùng. Như nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số khác, gia đình chị từng trải qua cảnh nghèo khó, vất vả. Hai vợ chồng chị chỉ có một gian nhà dột nát, nuôi 3 con nhỏ. Ruộng không có, vợ chồng phải đi làm thuê kiếm sống.
Chị Lường Thị Hiến (Bạch Thông, Bắc Kạn) chăm sóc đồi keo, mỡ của gia đình. |
Sau này, chị được giới thiệu về chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn. Khoản vay đầu tiên rất nhỏ, chỉ 5 triệu đồng, nhưng cũng đủ để xây chuồng lợn, mua ít lợn giống về nuôi. Nhờ sự cần cù chịu khó và những kiến thức chăn nuôi từ Hội Nông dân, đàn lợn của chị Xuân đã đem lại khoản lãi đầu tiên. Trả khoản vay này, chị lại xin vay tiếp, đàn lợn ngày càng tăng lên. Gia đình chị đã xây được căn nhà khang trang, sạch sẽ.
Gần đây nhất, năm 2016, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiếp khoản tiền 42 triệu đồng để đầu tư trồng rừng và nuôi hươu. Gia đình chị hiện có 2 ha trồng cây keo và mỡ; nuôi 3 con hươu để lấy nhung. Rừng keo, mỡ của gia đình chị đã có 3 năm tuổi, sắp cho thu hoạch, còn hươu thì đã cho thu hoạch nhung, với giá khoảng 20 triệu đồng/kg.
“Nuôi hươu dễ chăm sóc hơn trâu bò, thức ăn của hươu cũng đa dạng hơn, nên gia đình tôi rất mong có thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập”, chị Xuân nói.
Cũng như gia đình chị Xuân, hộ gia đình chị Lường Thị Hiến, người dân tộc Tày ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã thoát nghèo nhờ đồng vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ có khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng chị có điều kiện phát triển chăn nuôi, sản xuất. Cứ hết đợt vay này, chị lại xin vay tiếp. Thu nhập của gia đình dần dần được cải thiện, cuộc sống gia đình chị cũng no đủ hơn.
Gần đây nhất, tháng 3/2016, chị được vay 35 triệu đồng theo Chương trình Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với số vốn này, chị trồng 1 ha cây keo và 1 ha cây mỡ. Trong đó, cây keo đã sắp được cho thu hoạch, ước tính, gia đình chị có thể thu về khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng chị còn có khoảng 4.000 m2 trồng ngô, lúa.
Được biết, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập..., góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của TS. Bùi Sỹ Lợi (Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội), vốn chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
“Nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Kết quả này đã được Quốc hội, các bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đánh giá.