Với diễn biến bất lợi của TPP, dòng dịch chuyển giao dịch mua bán và đầu tư trong ngành dệt may thế giới vào Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại. |
Theo ông Trường, với diễn biến bất lợi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dòng dịch chuyển giao dịch mua bán và đầu tư trong ngành dệt may thế giới vào Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại.
Không chỉ chậm ở dòng vốn đầu tư, từ quý 3/2016, đơn hàng đã trở nên khó tiếp cận hơn, thực sự đã diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt trong nửa sau 2016 để giữ khách hàng, thị phần trong các doanh nghiệp.
Đặc biệt là quá trình cạnh tranh này lại diễn ra trong bối cảnh thị trường không tăng trưởng, các quốc gia cạnh tranh đều phá giá đồng tiền ở quy mô lớn như Trung quốc ~10% từ 8/2015 - 11/2016, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh đều phá giá trên 10% trong khi VND ổn định không tăng trong suốt 11 tháng năm 2016 làm cho xu thế giá hàng hóa từ Việt Nam đắt lên tương đối.
Năm 2017, được cho là năm khó dự báo của thị trường dệt may thế giới cũng như thị trường dệt may Việt Nam.
Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, GDP toàn cầu năm 2017 chỉ đạt 3,2%, tăng trưởng nhẹ so với năm 2016.
“Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới trong năm 2017 sẽ vẫn dậm chân tại chỗ với bẫy tăng trưởng thấp khi thương mại, đầu tư, năng suất và vẫn ở mức thấp”, ông Trường nói.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm, có thể coi là chỉ dấu cho sức khỏe các ngành sản xuất trên toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong một vài năm tới đây.
Đặc biệt là các chính sách theo xu thế chủ nghĩa bảo hộ có thể từng bước được áp dụng, ảnh hưởng riêng đến các nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam chưa thể đánh giá được.
Xu thế có nhiều rào cản mới được dựng lên bao gồm cả thuế quan và phi thuế quan có thể sẽ diễn ra trong 2017.
Bởi vậy, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu dệt may, giải pháp thị trường được Vitas khuyến nghị các nhà xuất khẩu, cần tiếp tục củng cố và đẩy mạnh khai thác vị thế là nước có thị phần lớn thứ 2 ở Mỹ và Nhật Bản.
Trong bối cảnh khó về thị trường, việc duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% cho 2 thị trường quan trọng Hoa Kỳ và Nhật Bản chính là giải pháp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu 2017. Trong đó, tập trung cải thiện tổng thời gian sản xuất, giao hàng từ Việt Nam.
Thống kê của Vitas cho thấy, năm qua, Hoa Kỳ, Nhật Bản, 2 thị trường lớn trong TPP đã nhập khẩu lượng hàng dệt may từ Việt Nam trị giá 15 tỷ USD trong năm 2016, chiếm đến 53,5 % tổng lượng xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm qua.
Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may là 28,3 tỷ USD, tăng gần 5% so với 2015. Kết quả đạt được của ngành Dệt May Việt Nam 2016 được cộng đồng thế giới đánh giá cao do bối cảnh các nước nhập khẩu hàng hóa dệt may đều giảm mức nhập khẩu, cụ thể Mỹ giảm 4,52%, Nhật giảm trên 1%, Hàn Quốc giảm 4%, chỉ có Liên minh châu Âu EU là có tăng trưởng 5%.