Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Động cơ ôtô được tạo thành từ rất nhiều chi tiết, trong đó phần dễ nhìn thấy và chiếm nhiều không gian nhất là thân máy, vốn được tạo ra như một bộ khung để bảo vệ và chứa đựng những chi tiết bên trong.
Thân máy tùy từng hãng, từng xe mà có thể sử dụng vật liệu khác nhau, nhưng phổ biến nhất là nhôm, hợp kim nhôm và gang. Việc đúc thân máy được tiến hành theo các bước dưới đây.
1. Nấu nóng chảy vật liệu. Vật liệu dưới dạng khối sẽ được nấu nóng chảy thành dạng chất lỏng.
2. Đổ vào khuôn bằng cát. Khuôn để chứa chất lỏng kim loại chính là cát, với lợi thế là chi phí rẻ, mịn và dễ dàng thao tác.
3. Tạo hình. Sau khi vào khuôn và nguội, thân máy sẽ thành hình. Khối này được đưa vào phòng riêng để chụp lại tất cả các góc cạnh để theo dõi.
4. Rửa sạch. Thân máy sau đó được đưa vào bồn rửa sạch bụi cát, bụi nhôm bằng nước áp lực cao và các dụng cụ rửa.
5. Kiểm tra bằng mắt thường. Sau khi rửa sạch, các kỹ thuật viên sẽ tận mắt kiểm tra với sự hỗ trợ của đèn chiếu sáng mini.
6. Lắp chi tiết. Các chi tiết khác như piston, trục cam, nắp máy... được hoàn thiện riêng rồi lắp lên thân máy.
7. Hoàn chỉnh. Khối này sẽ chuyển tới bộ phận lắp các chi tiết nhỏ khác để thành một động cơ hoàn chỉnh.
8. Chụp hồng ngoại. Khi đã lắp cùng hệ thống điện, động cơ sẽ được chụp nhiệt hồng ngoại, phương pháp để phát hiện các sai sót trong hệ thống điện bởi các bộ phận hỏng hoặc sắp hỏng sẽ sinh nhiệt.
9. Thử nghiệm. Cuối cùng động cơ được mang tới trung tâm chạy thử dưới tần suất cao để kiểm tra xem có sự cố gì hay không, nếu có sẽ được hiệu chỉnh. Tới đây, động cơ hoàn thiện chuyển tới nhà máy lắp ráp ôtô. Tại nhà máy lắp ráp, động cơ sẽ được kiểm tra lại và chạy thử theo xác suất để đảm bảo vận hành ổn định nhất.