Thời sự
Đông Hòa bước sang trang sử mới
Hà Minh - 29/06/2020 14:25
Tháng 7/2020, Đông Hòa (Phú Yên) sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Nghị quyết của Quốc hội công nhận là thị xã.

Sự kiện này sẽ mở ra một trang sử mới ở “tuổi 15” đầy nội lực sung mãn, hứa hẹn nhiều thành công trong giai đoạn phát triển mới của thị xã Đông Hòa.

Thị xã Đông Hòa được quy hoạch theo hướng không gian đô thị mở, liên kết chặt chẽ với TP. Tuy Hòa và các đô thị vệ tinh khác.

Thành quả “tuổi 15”

15 năm trước, huyện Đông Hòa được tách ra từ huyện Tuy Hòa (nay là TP. Tuy Hòa). Ít ai hình dung được, trong khoảng thời gian đó, từ gian khó, vùng đất với biểu tượng là cây xương rồng đã nở hoa. Từ một huyện thiếu thốn trăm bề, vượt qua khó khăn, Đông Hòa đã ngoạn mục vươn lên đô thị loại 4, đời sống người dân thay đổi rõ rệt.

Ông Hồ Trung Cung (xã Hòa Thành) vui mừng chia sẻ: “Thị xã đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hơn. Nhiều tuyến đường được mở rộng, khu hành chính được đầu tư xây dựng, nhiều khu dân cư mới mọc lên. Các trục đường chính đều được trang bị hệ thống chiếu sáng, đèn led”.

Theo ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Đông Hòa có được những bước tiến vượt bậc là nhờ đã tuân thủ định hướng và các quyết định phê duyệt của Trung ương, của tỉnh; đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kêu gọi đầu tư đúng hướng, quy hoạch và quản lý quy hoạch chặt chẽ.

Những chỉ số kinh tế đã nói lên sự phát triển của Đông Hòa: giai đoạn 2005 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn Thị xã đạt khoảng 11%; công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 10,56%/năm; Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, Hòa Hiệp 2 và cụm tiểu thủ công nghiệp Nam Bình 1 thu hút nhiều nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, tạo giá trị, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. “Thị xã có 6 xã đạt nông thôn mới, trong đó, xã Hòa Thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020”, ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa chia sẻ.

Những chuyển động về sản xuất - kinh doanh, giao thương, du lịch và dịch vụ là cơ sở để năm 2020, Đông Hòa hướng đến thu ngân sách khoảng 273,3 tỷ đồng. Kỳ vọng, nguồn thu này sẽ cao hơn, khi nhiều nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, triển khai các dự án khu đô thị, du lịch trên địa bàn.

Ông Lê Văn Thành, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Phú Yên đánh giá, lợi thế cạnh tranh của Đông Hòa là có phần lớn diện tích nằm trong KKT Nam Phú Yên và đô thị Nam Tuy Hòa, các khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, Hiệp Hòa 2, Hòa Tâm, Khu công nghệ cao đang từng bước hoàn thiện hạ tầng.

Tận dụng lợi thế này, cùng với các dự án lớn từ nguồn đầu tư của Trung ương, như: hầm đường bộ qua đèo Cả; mở rộng Quốc lộ 1; xây dựng Quốc lộ 29; tiểu dự án 2, 3 đường Hùng Vương - tuyến chiến lược ven biển từ TP. Tuy Hòa đến cảng biển Vũng Rô, Đông Hòa đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư.

Thị xã đã giao 134 ha mặt bằng sạch cho Ban Quản lý KKT Nam Phú Yên tại xã Hòa Tâm để thu hút đầu tư; thi công Dự án Tái định cư Phú Lạc giai đoạn 2; tuyến Phước Tân - Bãi Ngà; Khu Trung tâm hành chính mới Hòa Tâm… Đông Hòa đã xác định quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, tạo mọi điều kiện, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong tỉnh để phát triển KKT Nam Phú Yên và thị xã Đông Hòa.

Xứng đáng vùng động lực phát triển của tỉnh

Nhìn thẳng vào khuyết điểm để điều chỉnh bước đi cho phù hợp và rút ra bài học kinh nghiệm để tránh được những hạn chế trong 15 năm hình thành và phát triển, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu thị xã Đông Hòa ghi nhận có 5/18 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra chưa đạt; 4 chỉ tiêu không đạt do Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô không triển khai; kinh tế tuy tăng trưởng khá, nhưng chưa bền vững; thu ngân sách tuy đạt cao, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa cao; kết cấu hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp Nam Bình 1 chậm được đầu tư; đầu tư phát triển và hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương…

Theo ông Bùi Thanh Toàn, Bí thư Thị ủy Đông Hòa, những hạn chế, khiếm khuyết này sẽ được dần khắc phục, khi mà trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên, Đông Hòa giữ vai trò tạo động lực thúc đẩy phát triển của cả tỉnh với mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế, lao động hiện đại, hiệu quả với các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với kinh tế thị trường, xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trong năm 2020, Đông Hòa xây dựng, hoàn thành tuyến đường nối từ cầu Bến Lớn bắc qua sông Bàn Thạch nối liền với thôn Nam Bình, khu công nghiệp đa ngành nghề ở xã Hòa Xuân Tây. Đây là trục đường xương sống của thị xã tương lai, gần như song hành cùng với Quốc lộ 29 đang thi công xây dựng kết hợp quảng trường, trung tâm văn hóa thông tin và truyền thanh, đài tưởng niệm liệt sỹ, sân khấu trung tâm…, tạo nên một bộ mặt mới của đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch.

Để thực hiện các mục tiêu, chiến lược và quy hoạch đã đề ra, xây dựng Đông Hòa trở thành đô thị năng động, có ngành công nghiệp - dịch vụ phát triển nhanh và bền vững, ông Bùi Thanh Toàn cho biết, Đông Hòa xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.

Bên cạnh đó, Đông Hòa sẽ tập trung phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng; tập trung phát triển công nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của thị xã; kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp có chất lượng kỹ thuật công nghệ cao, hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực, làm động lực cho phát triển kinh tế.

Đông Hòa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2020 - 2025 tăng 10,7%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 11,8%; tạo điều kiện phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh, vùng và cả nước.

Thị xã cũng sẽ phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Một nhiệm vụ quan trọng nữa mà Đông Hòa xác định là tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới; triển khai xây dựng 2 xã nông thôn mới nâng cao, trong đó, xã Hòa Thành đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Cụ thể hơn, theo ông Võ Đình Tiến, đến năm 2025 thu ngân sách trên địa bàn đạt 150 tỷ đồng (không tính phần thu tiền sử dụng đất), tăng bình quân 14%/năm. Thị xã sẽ phối hợp với tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến và tiếp cận đầu tư; thu hút các nguồn vốn đầu tư vào khu vực Hòa Tâm, cảng nước sâu Bãi Gốc và các khu công nghiệp. Ngoài ra, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý KKT Phú Yên đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phấn đấu trong 5 năm, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 20.000 tỷ đồng.

“Với những tiềm năng và lợi thế hiện có, bên cạnh việc phát huy mạnh mẽ nội lực, thị xã Đông Hòa chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, thị xã Đông Hòa - đô thị trẻ, năng động của tỉnh Phú Yên sẽ phát triển nhanh và bền vững”, ông Võ Đình Tiến khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác