Chuyển đổi số - Kinh tế số
Động lực của kinh tế số phải đến từ doanh nghiệp
Nguyễn Ngân - 07/09/2023 18:09
Theo các chuyên gia, động lực, sự phát triển chủ đạo của kinh tế số phải đến từ sự chuyển mình của các doanh nghiệp.

Còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo "Thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững" do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM chủ trì tổ chức, ông Hà Thân, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM khẳng định: “Động lực của kinh tế số phải đến từ doanh nghiệp”.

Theo ông Thân, yêu cầu của kinh tế số gồm môi trường bên ngoài, môi trường bên trong và xã hội. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp đang nhìn về kinh tế số rất đơn giản, gồm 4 không: không giấy tờ (định danh điện tử, hoá đơn điện tử, trình ký điện tử); không tiền mặt; không tiếp xúc (họp, học trực tuyến, thiết bị tự động hoá…) và không phụ thuộc (nơi chốn, thiết bị, thời gian).

Cũng chính vì vậy, doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số bởi phải làm cho đội ngũ hiểu chuyển đổi số là gì, lợi ích và chi phí chuyển đổi số để cùng hợp lực chuyển đổi số. Bên cạnh đó, còn một số thách thức khác như dữ liệu không liên thông, ứng dụng không tích hợp,…

Tương tự, ông Đoàn Đại Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho rằng, thực tế hiện nay, khi nói về kinh tế số, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp, người dâ,… rất không đồng đều. Đồng thời, TP.HCM đã có chiến lược vĩ mô về kinh tế số, nhưng chưa có chiến lược các ngành kinh tế số.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thành, Phó giám đốc kinh doanh, Công ty CP MISA tại TP.HCM cho biết, qua quá trình triển khai chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp, ông nhận thấy có 3 vấn đề lớn.

Một là, các hệ thống ERP có đầy đủ chức năng, chi phí rất cao, chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn chứ chưa phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có yêu cầu quản lý đơn giản và chi phí hạn chế;

Hai là, các giải pháp riêng lẻ trên thị trường về bán hàng, nhân sự, kế toán… phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhò nhưng không theo suốt được quá trình phát triển của doanh nghiệp;

Ba là, phần lớn các giải pháp đang áp dụng riêng lẻ tại các bộ phận trong doanh nghiệp không kết nối với nhau và không kết nối với các hệ thống bên ngoài khác.

Toàn cảnh Hội thảo "Thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững"

Cần tập trung vào chất lượng nhân lực

Đây là khuyến nghị của đa số các chuyên gia về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong doanh nghiệp.

Ông Đào Bá Khương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Royal Sachi cho rằng, nếu một doanh nghiệp - dù là doanh nghiệp vừa, nhỏ hay doanh nghiệp lớn - muốn đi xa thì bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin. Để làm được điều này, yếu tố nhân sự trong doanh nghiệp rất quan trọng. Bên cạnh đó, nhà nước tạo cơ chế, tạo điều kiện thì doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các cơ chế đó.

“Nếu doanh nghiệp không nắm bắt được các cơ chế thì là lỗi của doanh nghiệp”, ông Khương thẳng thắn.

Trong khi đó, theo ông Đoàn Đại Phong, TP.HCM cần phát triển kinh tế số cho các ngành mũi nhọn như logistics - cảng biển; công nghiệp hóa kỹ thuật số và số hóa công nghiệp. Đồng thời mở rộng hệ sinh thái tài chính số.

Bên cạnh đó, để đột phá được trong tương lai cần tăng tốc độ kết nối lên 10 GB tại các điểm kết nối; các khu chế xuất – khu công nghiệp có kết nối mạng riêng ảo ngành công nghiệp. TP.HCM cần thí điểm xây dựng hạ tầng mạng Dual Gigabit với mục tiêu đến năm 2025: 30% hộ gia đình sử dụng kết nối Gigabit (10 GB) trở lên và đến năm 2030 là 80-90% hộ gia đình sử dụng kế nối 10GB trở lên.

Đứng ở góc nhìn chuyên gia, ông Hà Thân kiến nghị, doanh nghiệp có thể xây dựng năng lực kinh tế số theo mô hình viên kim cương Leavitt’s (các thành phần tác động qua lại lẫn nhau), gồm nhân sự, cấu trúc tổ chức, công nghệ, quy trình công việc để giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu mong muốn. Một cách nhìn khác, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là chuyển đổi ứng dụng, nền tảng và hạ tầng, gồm dịch vụ ứng dụng, dịch vụ nền tảng và dịch vụ hạ tầng đám mây.

PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT cũng đưa ra khuyến nghị để TP.HCM tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế số. Theo đó, TP.HCM cần tập trung phát triển để tạo đột phá về kinh tế số là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may, logistics, nông nghiệp và du lịch, bao gồm các nền tảng: quản trị và kinh doanh du lịch, du lịch Việt Nam, sàn giao dịch nông sản, dữ liệu số nông nghiệp, cảng biển số, cửa khẩu số, quản trị và kinh doanh vận tải, giao hàng chặng cuối, bản đồ số, chuyển đổi số xưởng may...

Đồng thời, theo ông Tuấn, phải chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online; phổ cập hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển. AI đã trải qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, bước vào giai đoạn ứng dụng. Ở giai đoạn ứng dụng, cần nhiều kỹ sư ứng dụng, ai nhanh chân thì sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Tin liên quan
Tin khác