Đầu tư
Động lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh
Khánh An - 13/12/2017 10:11
Cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới. Nền tảng của cơ sở này là môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn VBF 2017 đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế Việt Nam những thập niên tới. Ảnh: Đức Thanh

Động lực từ khu vực tư nhân

Ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã nở nụ cười rất tươi khi nghe phần phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017.

Những gì mà ông và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát biểu trước đó đều đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận ngay, khi Thủ tướng đã dành phần lớn bài phát biểu để chia sẻ kỳ vọng về một lớp doanh nghiệp và một thế hệ doanh nhân mới, với nhiều trăn trở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta đều thống nhất rằng, chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới, họ cũng sẽ là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò là nhà kiến tạo phát triển”.

Thậm chí, trong số các giải pháp chính sách mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra, như ưu tiên phát triển hạ tầng để tạo ra các kết nối thông minh; giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị - xã hội ổn định, cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, cộng đồng doanh nghiệp được xác định vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn và ước vọng của mình. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ còn nói, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà cũng chính là lá phiếu ủng hộ Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc với vai trò là đồng Chủ tịch VBF năm 2017, ông Kyle F. Kelhofer đã nhắc đến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đến Việt Nam 20 năm trước, khi VBF đầu tiên được tổ chức bên lề Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vào năm 1997, hoạt động tích cực tại Việt Nam suốt thời gian qua và đã có mặt tại VBF năm 2017. Nhưng trong bối cảnh mới của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, trước những thách thức lớn từ làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp đang cần hơn bao giờ hết một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi.

“Chúng tôi nhìn vào cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI để khuyến nghị tới Chính phủ những yêu cầu tối đa hóa tài chính để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cả trong nước và nước ngoài. Chính phủ kiến tạo là hỗ trợ, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân làm những gì họ làm được”, ông Kyle F. Kelhofer nói.

Khuyến nghị này được đặt trong hầu hết lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ đầu tư hạ tầng, năng lượng tái tạo “made in Việt Nam”, tới yêu cầu mới của xu thế số hóa trong ngành vận tải, dịch vụ Internet, thị trường vốn và ngân hàng

Bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) gọi đây là những con đường kích hoạt và khuyến khích khu vực tư nhân.

“Việc duy trì mức độ tăng trưởng và củng cố khu vực tư nhân sẽ giúp tạo ra việc làm, đem đến đời sống sung túc và thịnh vượng. Phát triển với tốc độ cao sẽ không tạo rủi ro cho môi trường và lợi ích xã hội nếu môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, pháp luật được thực thi nhất quán và minh bạch”, bà Ansell chia sẻ khi nhắc tới rào cản mới mà các doanh nghiệp đang nhìn thấy trong nhiều dự thảo văn bản luật, cũng như trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về đầu tư - kinh doanh, như Dự thảo Luật An ninh mạng, Nghị định 54 hướng dẫn Luật Dược, quy định thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống ngọt…

Cơ hội của doanh nghiệp trong nước

Cho dù sự kỳ vọng của Chính phủ, cũng như cam kết hành động để tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển của nền kinh tế rất cụ thể, xong câu hỏi làm sao để doanh nghiệp Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn vẫn không dễ trả lời.

Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng không né tránh, những thách thức mới của nền kinh tế hội nhập đang buộc các cơ quan Chính phủ cũng đã thay đổi cách tiếp cận trong tham mưu, hoạch định và thực hiện chính sách, nâng cao vai trò của người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cam kết sẽ tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, ông cũng cho rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện hành trong lĩnh vực quản lý đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Có nghĩa là cơ hội để các doan nghiệp Việt Nam vốn chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ chuyển mạnh hơn cả quy mô và chất lượng đang mơ rộng.

Tuy vậy, vào thời điểm này, ngay trong báo cáo cập nhật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại VBF 2017 với tư cách là đồng Chủ tịch Liên minh VBF, sức khỏe của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn chưa ổn định, với gần 60% doanh nghiêp vẫn đang kinh doanh không có lãi. Trong 11 tháng của năm 2017, vẫn có tới 65.000 doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

Song, điều ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI lo ngại hơn là sự lép vế tiếp tục của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước về quy mô, song lại phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận đất đai, tín dụng cũng như mức lãi suất hợp lý.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước trên các lĩnh vực như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, hình thành chuỗi giá trị… tạo môi trường để các doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp ngoại trở thành các đối tác cộng sinh cùng có lợi trong nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, đã đến lúc Việt Nam cần phải đặt yêu cầu về kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước như một cách thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp FDI khi quyết định làm ăn tại Việt Nam.

Đương nhiên, môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là điều kiện tiên quyết. Đây là lý do VCCI tiếp tục kiến nghị Chính phủ giảm chi phí kinh doanh thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chính; đảm bảo tốc độ tăng lương tối thiểu không nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm tới...

Ý kiến - Nhận định:

Việt Nam cần đặt sự phát triển và đổi mới làm chiến lược kinh tế trọng tâm
Ông Rya Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự xuất hiện liên tục của các ngành công nghiệp mới đã bắt đầu. Cải cách nhằm tăng năng suất lao động là xu thế không thể tránh khỏi trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam cần đặt sự phát triển và đổi mới làm chiến lược kinh tế trọng tâm và hỗ trợ trên phạm vi quốc gia.

Đặc biệt, tăng năng suất lao động thông qua đổi mới doanh nghiệp nhỏ và vừa và ngành dịch vụ là quan trọng hơn bao giờ hết. Để làm được việc này, cần sửa đổi một số luật và hỗ trợ nhiều hơn về mặt ngân sách để cải cách cơ cấu ngành công nghiệp.

Những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ là các doanh nghiệp tư nhân
Ông Hirohide Sagara, đồng Chủ tịch Liên minh VBF 2017

5-10 năm tới, những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ là các doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho sự thay đổi này, bằng cách cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh, thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Việt Nam đang có nhiều cải thiện về cơ chế, chính sách trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng so với những yêu cầu của phát triển, so với nhiều nền kinh tế khác, vẫn còn nhiều nút thắt. Trong số các nút thắt này, các vấn đề về nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh vai trò khu vực kinh tế tư nhân và cải cách thủ tục hành chính cần được ưu tiên.

Hệ thống hành chính không minh bạch sẽ gây tổn thất lớn đến sự hấp dẫn của Việt Nam
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam

JCCI đánh giá rất cao Chính phủ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ và triệt để của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã rất nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: sự hiểu biết không đầy đủ của cán bộ phụ trách, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, cách giải thích về quy định pháp luật chưa rõ ràng, nên đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, việc thực thi pháp luật và vận hành hệ thống còn mất nhiều thời gian và chi phí.

Chúng tôi quan ngại rằng, hệ thống hành chính không minh bạch sẽ gây tổn thất lớn đến sự hấp dẫn của Việt Nam Hy vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này.

Tin liên quan
Tin khác