Đó cũng là nội dung luôn có tại VBF thường niên 2017, bên lề Hội nghị Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) khai mạc ngày 13/12/2017.
Theo lịch trình, VBF 2017 đặt lên bàn đối thoại 3 nội dung chính, gồm nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Đặc biệt, mọi thảo luận tại VBF 2017 của giới kinh doanh sẽ hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 - chủ đề được chọn của VBF 2017.
. |
So với chủ đề của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) năm 2017 (khi mạc ngày 13/12) là “Tăng năng suất - đòn bẩy cho phát triển bền vững”, rõ ràng, cộng đồng kinh doanh Việt Nam tại VBF, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục muốn tham gia, thậm chí là ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn, bởi hiện là thời điểm Chính phủ Việt Nam nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây còn là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ bỏ mô hình gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên... Đây cũng là lúc, các doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng và cách nhanh nhất là họ phải tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi này.
Đã 20 năm kể từ khi VBF được thành lập, giới kinh doanh chưa bao giờ bỏ lỡ kênh đối thoại chính sách lớn nhất với Chính phủ Việt Nam. Với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã chủ động phát hiện, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề, vướng mắc đưa ra đối thoại với các cơ quan Chính phủ. VBF để lại dấu ấn rất rõ trong bước cải thiện của pháp luật về đầu tư - kinh doanh, chính sách liên quan đến thuế, hải quan, đất đai, xây dựng... cũng như trong cải thiện môi trường kinh doanh, trong tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Không chi có vậy, ngay từ khi thành lập, mục tiêu chính của VBF là đối thoại với Chính phủ để thúc đẩy và duy trì tính bền vững của hoạt động kinh doanh trong tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh đầu tư, thương mại. Mục tiêu này càng được phát huy khi có sự tham gia trực tiếp và ngày càng nhiều hơn của cộng đồng kinh doanh, qua việc chuyển chức năng điều phối của Ban thư ký Diễn đàn từ Công ty Tài chính quốc tế IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) cho Liên minh Các hiệp hội doanh nghiệp và phòng thương mại trong nước và nước ngoài vào năm 2012. Kể từ đó, các đề xuất giải pháp chính sách của VBF mang thêm dấu ấn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Có thể nói, chính cách chọn đồng hành của khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng sự phát triển của kinh tế Việt Nam, tinh thần chủ động tham gia xây dựng chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh đã duy trì sức năng động của cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính phủ của VBF cho tới thời điểm này. Cũng chính thời điểm này, khi Chính phủ Việt Nam đặt doanh nghiệp vào trung tâm của các cuộc cải cách, đổi mới, khi khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực phát triển của kinh tế, thì hẳn nhiên, cộng đồng kinh doanh kỳ vọng sẽ nhận được nhiều hơn sự hậu thuẫn, đồng hành của Chính phủ, của chính quyền địa phương và của từng công chức.