Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ như vậy với các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội vừa qua.
Tại đây, nhiều đại biểu đồng tình với nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rằng, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Trong khi đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thì thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu cần được ưu tiên.
Để phát triển, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới giải pháp về kỹ thuật, công nghệ. Ảnh: Đ.T |
Để có thể đưa tốc độ tăng GDP năm 2024 lên trên 6% và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu này của cả nhiệm kỳ ở mức cao nhất, thì ngoài thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cần những điểm tựa mới cho tăng trưởng.
Trao đổi với các vị đại biểu tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, rất nhiều giải pháp ngắn hạn đã gắn vào các nhiệm vụ của trung và dài hạn, như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược - đều là những vấn đề căn cơ, lâu dài.
Các giải pháp, nhiệm vụ này đều hướng tới mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất, là nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu này gắn với các ngành công nghệ mới, dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên năng lực, nguồn lực con người. “Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đang tập trung theo hướng dựa trên đổi mới sáng tạo để làm động lực cho tăng trưởng”, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nói.
Cụ thể hơn về công việc Bộ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và sẽ khánh thành vào cuối tuần này.
“Chúng tôi cũng đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới về các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, Bộ trưởng cho hay.
Ông “rất mong được các đại biểu Quốc hội ủng hộ để Việt Nam có phong trào khởi nghiệp, phong trào đổi mới sáng tạo, phong trào thúc đẩy khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới”.
Thông tin thêm về ngành chip bán dẫn, Bộ trưởng nói, hiện nay, ngành này rất quan trọng và có đóng góp rất lớn, dự báo đến năm 2030, doanh thu của ngành chip bán dẫn trên toàn thế giới vào khoảng 1.300 tỷ USD.
Vậy Việt Nam có tham gia ngành này không? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, từ đề xuất của Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ và Bộ đang thực hiện 2 nhiệm vụ ở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đó là xây dựng các trung tâm nghiên cứu thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu về bán dẫn; xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực.
“Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội trong phiên khai mạc có nói mục tiêu là 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn. Thực tế, chúng tôi đang đề nghị và làm đề án là 50.000 kỹ sư và chuyên gia trong ngành bán dẫn. Hiện nay, cả nước mới có 5.600 người, nhưng chúng tôi cũng đang làm việc với tất cả các trường đại học và xây dựng một đề án đến năm 2030, nước ta có được 50.000 kỹ sư và chuyên gia trong ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.
Theo Bộ trưởng, nguồn nhân lực của ngành này cần cả thạc sĩ, tiến sĩ thì mới tham gia các chuỗi giá trị với một tâm thế, một vị thế khác và đây là nguồn lực, động lực hết sức to lớn và quý giá.
“Sau này, chúng tôi sẽ tiến hành làm triển lãm về đổi mới sáng tạo hàng năm tại Trung tâm với quy mô rất lớn, tập trung tất cả các tập đoàn công nghệ lớn nhất của thế giới”, Bộ trưởng chia sẻ thông tin.
Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu - doanh nhân Khương Thị Mai (Nam Định), Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam cho rằng, cần đưa khoa học công nghệ, kinh tế, trí thức trở thành nhân tố chủ yếu cho nâng cao chất lượng và tăng trưởng.
“Ở đâu có đổi mới giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, thì ở đó sẽ có tiến bộ. Nhiều doanh nghiệp bây giờ phải nắm bắt công nghệ mới cho những năm tiếp theo, thì mới có thể bắt nhịp được các doanh nghiệp nước ngoài”, đại biểu Mai nói.
Bên cạnh đề nghị Chính phủ có giải pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam, vị đại biểu này cũng cho rằng, cần tạo cơ chế thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, đầu tư vào khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp lớn và vừa để có thể tạo ra những doanh nghiệp thực sự lớn. Từ đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tham gia chuỗi giá trị tốt hơn.
Gần đây, Trung ương cũng bàn để tổng kết Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2012 về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này của Quốc hội có nêu việc đầu tư cho khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có một nguyên nhân nói rất nhiều, nhưng không giải quyết được. Đó là, từ năm 1991 đã có quy định đầu tư cho khoa học công nghệ 2% ngân sách nhà nước, sau đó có rất nhiều quy định ở các nghị quyết khác, trong một số luật cũng quy định như thế, nhưng mức trung bình nhiều năm chỉ loanh quanh 1%. Năm 2023, ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ được khoảng 0,82%. Vấn đề này cần phải được giải quyết, bởi muốn làm gì thì đều phải có nguồn lực.
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An)