Như vậy, khả năng giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% sau thời điểm 30/6/2024 là rất cao. Đây cũng là mong mỏi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Không giống các sắc thuế khác, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, vì giảm thuế GTGT sẽ tác động tích cực tới giá dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng được hưởng lợi khi chính sách được ban hành, bởi giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng hoạt động.
Thực tế qua 2 lần giảm thuế GTGT (năm 2022 và 2023) cho thấy, giảm thuế GTGT là một trong những nhân tố quan trọng giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực tăng tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Các chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, trong đó có thuế GTGT cũng đã tác động đến tổng cầu của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.
Minh chứng rõ nhất và gần nhất là trong 10 tháng của năm nay, tổng số tiền thuế được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 158.145 tỷ đồng (trong đó số thuế GTGT được giảm kể từ ngày 1/7/2023 là 15.600 tỷ đồng) đã hỗ trợ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng liên tục trên 7% trong 4 tháng gần đây. Điều này còn giúp chặn đà suy giảm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng kể từ tháng 1/2023.
Không thể phủ nhận các chính sách tài khóa nhằm “khoan sức dân” kể trên, nhưng thực tế cho thấy, liều lượng dường như chưa đủ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và tăng tổng cầu nội địa.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 10 tháng của năm nay chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian trên, có tới 147.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dù tăng trở lại từ tháng 7/2023, nhưng tính chung 10 tháng của năm nay chỉ tăng 9,4%, thấp xa so với mức tăng 20,8% cùng kỳ 2022 và vẫn chưa đạt tốc độ tăng tiêu dùng nội địa của thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch Covid-19 (tăng trên 12%).
Tốc độ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp nhiều lần tốc độ gia nhập thị trường có nguyên nhân chính là cầu nội địa thấp. Căn nguyên của tiêu dùng nội địa thấp là do thu nhập của người dân tăng chậm, chưa đủ bù đắp khoản tài chính dự phòng mà người dân buộc phải móc hầu bao chi dùng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.
Như vậy, để các chính sách tài khóa ưu đãi, hỗ trợ, trong đó có việc giảm tiếp thuế GTGT từ 10% xuống 8%, thì quan trọng là phải cải thiện thu nhập của người lao động. Trước mắt, cần khẩn trương sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế và người phụ thuộc, đồng thời nâng mức doanh thu chịu thuế GTGT và thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh lên trên mức 100 triệu đồng/năm hiện nay.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ điện đã tăng 2 lần; hầu hết địa phương đã tăng giá nước sạch sinh hoạt 1-2 lần và có phương án tăng tiếp vào đầu năm 2024. Giá viện phí vừa được điều chỉnh tăng thêm khoảng 10%. Học phí tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đã tăng, còn khu vực công lập chỉ tạm dừng tăng trong năm học 2023-2024. Hiện có 44/63 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nên giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn (nguồn thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn trong bữa ăn của người Việt) nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới…
Chi phí cho sinh hoạt hàng ngày và tiêu dùng thiết yếu của người dân đã, đang và tiếp tục tăng, khiến việc tăng lương tối thiểu vùng cùng lương cơ sở không đủ để bù đắp sự gia tăng chi phí sinh hoạt tối thiểu. Chính vì vậy, Bộ Tài chính - cơ quan đã chủ động đề xuất Quốc hội giảm thuế GTGT - cũng nên đề xuất các giải pháp tăng thu nhập thực tế cho người dân, theo đó, phải sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu không, thì các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế cũng sẽ giảm tác dụng, cầu nội địa khó có thể tăng như mong đợi, cho dù thuế GTGT có giảm hết năm 2024 hoặc lâu hơn nữa.