Khoảng 4.730 hộ dân, với 14.994 nhân khẩu và 26 tổ chức đã nằm trong vùng quy hoạch (5.000ha) sân bay quốc tế Long Thành |
Đề xuất này vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, người đứng đầu ngành Giao thông đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách hợp phần công việc bồi thường, GPMB và tái định cư của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành tiểu dự án riêng và giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ động nghiên cứu, thực hiện.
Trên cở sở ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị sớm xem xét phê duyệt Đề án cơ chế đặc thù và Khung chính sách trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, để UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai tại văn bản số 1311/UBND-ĐT ngày 23/11/2016 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, để có thể sớm khởi công và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ mà Quốc hội đã thông qua và tạo điều kiện cho UBND tỉnh Đồng Nai chủ động trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án, Bộ Giao thông vận tải kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
Theo Bộ Giao thông vận tải, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1444/TTg-KTN ngày 16/8/2016 về Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành thẩm định Đề án cơ chế đặc thù và Khung chính sách trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua.
Ngày 10/11/2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó dự kiến sẽ bố trí 5000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
ới quy mô diện tích thu hồi lên tới 5.000 ha, trải rộng trên địa bàn 6 xã là Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), dự án hạ tầng giao thông lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 4.000 hộ dân với 15.000 nhân khẩu. Đây là thách thức rất lớn, bởi một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể đưa vào vận hành Sân bay Long Thành giai đoạn I vào năm 2025 là Đồng Nai phải bàn giao ít nhất 2.500 ha không chậm hơn đầu năm 2019.
“Bên cạnh việc xây dựng khung chính sách theo Điều 87, Luật Đất đai năm 2013, Đồng Nai xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bổ sung các cơ chế, chính sách mà pháp luật chưa quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ đào tạo nghề… để có thể đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng”, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Được biết, đề xuất đặc thù đầu tiên là việc tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành tiểu dự án riêng và giao cho địa phương làm chủ đầu tư để triển khai sớm hạng mục quan trọng này. Nếu chiểu theo Luật Đầu tư công (2014), Luật Xây dựng (2014) và Luật Đất đai (2013) thì sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2018), Thủ tướng mới xem xét cho tách tiểu dự án giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Như vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ngay cả khi làm rốt ráo, gặp nhiều thuận lợi thì phải sau 3 năm (đến năm 2021) mới có thể bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Như vậy, chắc chắn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của Quốc hội là đưa Sân bay Long Thành vào sử dụng năm 2025.
Tỉnh Đồng Nai cũng xin được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2016 để xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An và Bình Sơn tại huyện Long Thành. Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ cho phép địa phương phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng sân bay Long Thành được phê duyệt; đồng thời áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, thi công đối với 2 dự án tái định cư và xây dựng nghĩa trang huyện Long Thành.
Liên quan tới nhóm cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Đồng Nai đề nghị một loạt hỗ trợ chưa có trong quy định của pháp luật đối với các hộ dân có nhà, công trình trên đất nông nghiệp; nhà, công trình đối với người đang sử dụng thuộc sở hữu của nhà nước và các trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất.
Đáng chú ý nhất, là việc địa phương xin áp dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng/ha để bồi thường cho cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, đơn vị dự kiến có khoảng 1.777 ha đất trồng cây công nghiệp nằm trong công địa xây dựng Sân bay Long Thành.