Doanh nghiệp
Đồng sáng lập Tugo Nguyễn Duy Vĩ: Sẽ bị bỏ lại phía sau nếu chỉ nghĩ là người làm du lịch
Hồng Phúc - 24/07/2018 10:09
Với chiến lược cạnh tranh về giá, tận dụng lợi thế về công nghệ, Nguyễn Duy Vĩ cùng các đồng sáng lập từng bước đưa Tugo.com.vn chinh phục thị trường đặt tour du lịch trực tuyến và tiếp tục mở rộng sản phẩm, tìm kiếm cơ hội.

Tháng 6/2015, Nguyễn Duy Vĩ cùng 3 thành viên đồng sáng lập Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và thương mại Tugo (Tugo.com.vn), chính thức gia nhập thị trường đặt tour du lịch trực tuyến.

Trong số 4 thành viên sáng lập và điều hành Tugo, có 3 người đã từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực du lịch. Riêng Nguyễn Duy Vĩ là người “ngoại đạo” và cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất (sinh năm 1984). Anh thậm chí còn bỏ dở con đường học đại học để theo đuổi những dự án start-up và làm việc tại một số công ty của Thụy Sỹ, Nhật Bản... tại Việt Nam. Chính những trải nghiệm đó đã giúp anh tự tin cùng đội ngũ sáng lập Tugo thực hiện chiến lược kinh doanh và khẳng định giá trị.

Doan nhân Nguyễn Duy Vĩ (ngoài cùng bên trái) và các đồng sáng lập Tugo

Chiến lược cạnh tranh về giá

Ra đời sau, Tugo.com.vn chấp nhận thế rượt đuổi trong cuộc cạnh tranh với các công ty du lịch có thâm niên vài thập kỷ. Họ đang nỗ lực để rút ngắn khoảng cách với hai “tên tuổi” dẫn đầu là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) để giành một “chỗ đứng vững chắc trong ngành”.

Khó có thể so sánh cụ thể giữa các công ty trong ngành du lịch, một phần vì sản phẩm của mỗi công ty có sự khác biệt. Nhưng Nguyễn Duy Vĩ đưa ra ví dụ để ước lượng: trong tổng lượng vé Vietnam Airlines xuất bán cho các công ty du lịch, Tugo nằm trong top 5 công ty dẫn đầu.

Với những hãng bay khác, Tugo cũng đạt được kết quả tương tự. Nguyễn Duy Vĩ đặt kỳ vọng, Tugo sẽ rút ngắn khoảng cách về số lượng này với Vietravel xuống 2 bậc và nằm trong top 5 công ty du lịch có doanh thu lớn nhất của Việt Nam, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng 200%/năm như thời gian qua đến năm 2021.

Tugo là một công ty du lịch, nhưng cũng có thể gọi là một công ty công nghệ, với sản phẩm chủ yếu là bán buôn các tour đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài (outbound). Khi chưa thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong ngành về bề dày thương hiệu, Duy Vĩ và những người đồng sáng lập Tugo chọn cách đẩy mạnh tiếp thị bằng nhiều phương cách, nhưng đều dựa trên việc tận dụng công nghệ.

Hai chi phí “ngốn” phần lớn tổng doanh thu của Tugo là marketing và đặt cọc vé máy bay, với tỷ lệ lần lượt là 12% và 30%. Trung bình, Tugo phải thanh toán trước 10 tỷ đồng/năm cho các hãng hàng không để cung cấp vé cho hàng ngàn khách hàng trong đường bay đến Hàn Quốc. Với những thị trường như Australia, Mỹ, Canada, châu Âu, Tugo sẽ có những kế hoạch riêng, bởi đây chưa phải là thị trường trọng điểm của Công ty, so với thị trường Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Phần lớn khách du lịch đều tìm kiếm thông tin trên mạng, rồi so sánh giá của các công ty với nhau trước khi ra quyết định”, Duy Vĩ chia sẻ.

Theo anh, những công ty du lịch kinh doanh theo cách truyền thống muốn mở rộng thị trường thường phải mở thêm văn phòng và marketing offline rất khó đo đếm được hiệu quả. Vì vậy, Tugo tận dụng lợi thế của công nghệ và hiện nay, 100% khách hàng của Công ty đều đến từ hình thức online.

Các tour của Tugo đa phần được bán với giá thấp hơn từ 20 - 30% so với các đối thủ, để đổi lấy số lượng khách. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, Tugo đã bán tour cho hơn 4.000 lượt khách và đến năm 2017, con số này đã tăng lên gần 20.000 lượt khách. Nguyễn Duy Vĩ và đội ngũ vận hành Tugo cũng đã phải đối mặt với những ý kiến chỉ trích về việc phá giá, thậm chí là những đơn kiện từ một số công ty du lịch trong nước, nhưng vẫn giữ vững lập trường.

“Giá sản phẩm của các công ty khác cao hơn Tugo bởi họ tốn các chi phí trung gian, hoặc bộ máy quá cồng kềnh”, Duy Vĩ nói và cho rằng, đây là lợi thế vượt trội của những start-up tinh gọn nhờ áp dụng công nghệ và tự động hóa.

Không dừng lại

Với chiến lược cạnh tranh về giá, Tugo liên tục đạt được tăng trưởng và đã hòa vốn từ năm thứ 2 sau khi thành lập. Nguyễn Duy Vĩ chia sẻ, trong tương lai, khi hội đủ 2 yếu tố: một thị phần đáng mơ ước và sự tham gia rót vốn từ các nhà đầu tư, Tugo sẽ cung cấp nhiều sản phẩm khác.  “Nếu chỉ nghĩ là người làm du lịch, chắc chắn chúng tôi sẽ bị bỏ lại phía sau, vì những mặt hàng trong ngành này luôn được tiêu thụ theo nhiều cách rất khác ngày hôm qua”, Nguyễn Duy Vĩ chia sẻ.

Chat với Nguyễn Duy Vĩ:

Khi anh bỏ học đại học, gia đình anh có phản đối không?

Ba tôi giận và không nói chuyện với tôi hơn 6 năm kể từ ngày tôi bỏ học đại học và tham gia mở 6 dự án khởi nghiệp, trước khi đến với Tugo.

Nếu Tugo thất bại?

Tugo sẽ không thất bại. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, thì cũng không sao cả. Tôi sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu bánh bột lọc “Ẩm thực nhà Bu” và thực hiện kế hoạch IPO Tugo.

Tugo đang đặt kỳ vọng vào mảng khách du lịch vào Việt Nam (inbound), bởi nhóm này mang lại biên lợi nhuận 15 - 20%, gấp đôi so với lợi nhuận từ khách outbound. Duy Vĩ cho biết, những đối tác chiến lược của Tugo tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... sẽ đưa khách nước họ vào Việt Nam bằng số lượng khách Việt Nam sang, thông qua đầu mối duy nhất là Tugo. Giữa tháng 7 tới, một đoàn 150 du khách Hàn Quốc, thông qua hình thức hợp tác này, sẽ đến Việt Nam.

Những công ty tên tuổi trong ngành du lịch hiện nay đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, nhưng bộ máy cồng kềnh, cộng với những chi phí trung gian, khiến biên lợi nhuận không cao. Mặc dù doanh thu đạt được trong thời gian qua chưa đáng kể so với những “ông lớn” trong ngành, nhưng Tugo luôn tự tin vào những sản phẩm của mình.

Theo Duy Vĩ, du lịch là ngành kinh tế rất dễ bị tác động bởi những yếu tố như an ninh, chính trị, thiên tai, dịch bệnh... “Chỉ cần xảy ra một vấn đề liên quan đến những yếu tố nói trên, chúng tôi sẽ mất khoảng 80% khách hàng so với những dịp cuối tuần bình thường”, Duy Vĩ chia sẻ. Tuy nhiên, anh vẫn tự tin vào tỷ lệ 90% khách hàng tìm đến với Tugo sẽ đặt mua tour.

Hiện nay, đội ngũ Tugo có 60 nhân viên, 5 văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội. Duy Vĩ cho biết, Tugo sẽ tiếp tục mở rộng với chi nhánh ở Đà Nẵng vào tháng tới và mang thương hiệu này hiện diện tại Malaysia, Philippines... đồng thời, nhắm đến nhóm khách hàng mục tiêu trên 30 tuổi, với 30% chọn tour cao cấp.

“Kiến thức về xây dựng sản phẩm đã tích lũy giúp tôi biết nên làm gì cho các chiến dịch marketing của Tugo trở nên hiệu quả”, chàng trai phụ trách mảng tiếp thị và đang nắm giữ 15% cổ phần của Tugo nói.

Với bản lĩnh, tốc độ và sự linh hoạt của một start-up, Nguyễn Duy Vĩ cùng đội ngũ vận hành Tugo không dừng lại ở sản phẩm hiện có mà đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội tiếp theo, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho kế hoạch IPO để đổi 40% cổ phần và mang về 100 triệu USD vào năm 2021.

Tin liên quan
Tin khác