Thời sự
Đồng Tháp: Các mục tiêu lớn, trọng tâm năm 2021 được đảm bảo
Trúc Giang - 06/12/2021 11:59
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2021, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, các mục tiêu lớn, trọng tâm được đảm bảo, các lĩnh vực kinh tế ổn định, an sinh xã hội được thực hiện tốt...
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp gặp gỡ doanh nghiệp thảo luận về giải pháp thích ứng và khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh       Ảnh: Nguyệt Ánh

Đạt được nhiều kết quả quan trọng

Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, giảm thiểu thấp nhất tác động của dịch Covid-19 đến sức khỏe và tính mạng người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhanh chóng tái mở cửa kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 45.449 tỷ đồng, tăng 3,04% so với cùng kỳ, tương đương 1.340 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực  nông - lâm - thủy sản đạt 3,14%.

Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đạt và vượt 15/22 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, 7/22 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch, gồm 5 chỉ tiêu kinh tế, 2 chỉ tiêu văn hóa - xã hội.

Ước tính tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 của tỉnh tăng 2,22%; quy mô kinh tế tiếp tục gia tăng, ước đạt 90.384 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 3.847 tỷ đồng so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Sản xuất công nghiệp từng bước khôi phục, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước đạt 67.957 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,54%. Phương án tổ chức sản xuất an toàn được tỉnh triển khai sớm đi đôi với công tác giám sát, hỗ trợ, giúp cho 108 doanh nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách, nhanh chóng tăng thêm 146 doanh nghiệp sau khi xác lập trạng thái thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Tính đến ngày 28/10/2021 có tổng số 241/431 doanh nghiệp (lĩnh vực công nghiệp) hoạt động trở lại. Nhìn chung, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá. Hoạt động cung ứng các sản phẩm công nghiệp, hàng hóa thiết yếu ra thị trường được duy trì; không xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm nghiêm trọng tại thị trường nội tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả năm 2021 ước đạt 105.220 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng kinh tế khu vực thương mại - dịch vụ (kể cả thuế sản phẩm) ước đạt 1,5%. Tính đến ngày 28/10/2021, đã khôi phục hoạt động 151/182 chợ, một trung tâm thương mại, 7/7 siêu thị tổng hợp và 53/53 cửa hàng tiện lợi. Hạ tầng thương mại tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng, Trung tâm Giới thiệu ẩm thực - du lịch - đặc sản Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Phú Quốc ra mắt trong tháng 4/2021. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 1.100 triệu USD (không tính xăng dầu tạm nhập tái xuất), tăng 6,44% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 470 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Về du lịch, ước trong năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đón 1,8 triệu lượt khách, giảm 33,43% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 900 tỷ đồng, tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2020.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được cải thiện rõ rệt. Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quán triệt chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở, chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo sức lan toả rộng khắp tại các địa phương và ngày càng đi vào chiều sâu.

Về phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 18/10/2021, toàn tỉnh có 369 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.882 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý III/2021, hầu hết các doanh nghiệp đều tạm ngưng hoạt động (ngoại trừ số doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động theo phương án 4 tại chỗ). Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2021, phần lớn các doanh nghiệp đã được khôi phục dần.

Trong thu hút đầu tư, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, qua đó đã có nhiều doanh nghiệp đến làm việc, tìm hiểu hợp tác đầu tư như: Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise… Tính từ đầu năm đến ngày 28/10/2021, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án được chấp thuận chủ trương/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2.784 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 858,6 tỷ đồng.

 

Kế hoạch tăng trưởng GRDP 7,0%

Trên cơ sở dự báo tình hình với những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức; qua phân tích, đánh giá tình hình và khả năng thực hiện của các ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch năm 2022 với mức tăng trưởng GRDP là 7,0%. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã định hướng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện để phát triển kinh tế. Theo đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tốt tình hình dịch trên địa bàn.

Cùng với đó, phát triển ổn định khu vực nông - lâm - thủy sản và tăng tốc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 3,7%; thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng, hoa màu, trái cây, vật nuôi...; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các loại nông, thuỷ sản có giá trị cao hơn, giảm dần diện tích lúa vụ ba.

Phát triển mạnh công nghiệp với vai trò đầu tàu tăng trưởng. Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; khôi phục, gia tăng năng lực sản xuất của ngành chế biến (chế biến gạo, thủy sản đông lạnh, thức ăn chăn nuôi, may mặc, chế biến sau gạo) và khai thác các nhân tố tăng trưởng mới từ khởi nghiệp, dự án đầu tư mới, thúc đẩy tăng trưởng đạt mức 9,2%. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để đưa vào hoạt động; rà soát, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và thành lập mới một số khu, cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư sản xuất - kinh doanh công nghiệp.

Khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng nhanh thương mại - dịch vụ. Khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại; chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống chợ dân sinh tại khu vực nông thôn và các chợ đầu mối, chợ sỉ có khả năng phát luồng thúc đẩy thương mại nội địa. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh xúc tiến thương mại và kết nối với các mạng lưới bán hàng siêu thị, hệ thống bán lẻ, các trung tâm giới thiệu, trưng bày đặc sản và du lịch của tỉnh tại các tỉnh, thành phố trong nước; các kênh bán hàng online uy tín trong và ngoài nước.

Tạo điều kiện phát triển mạnh mô hình thương mại điện tử, hướng đến phát triển kinh tế số phù hợp xu thế vận hành của thị trường dịch vụ. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường thực hiện hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất) tăng 7,7% so với năm 2021.

Kích cầu du lịch, từng bước khôi phục hoạt động du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đặc trưng từng khu, điểm du lịch: hoàn thiện Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại TP. Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như Quýt hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành. Triển khai Dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc và xây dựng Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười.

Về phát triển doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục kiện toàn hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch, xây dựng các khu, trung tâm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự. Phấn đấu trong năm 2022, sẽ có ít nhất 600 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.682 doanh nghiệp.

Thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Ưu tiên thu hút đầu tư vào giao thông, nông nghiệp, nông thôn, du lịch, công nghiệp, thương mại, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, kinh tế biên giới, phát triển nguồn nhân lực...

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại gắn với yêu cầu chuyển giao và lan toả; dự án có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; dự án thân thiện môi trường nhất là trong lĩnh vực chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn... Đặc biệt, tỉnh sẽ chủ động phối hợp tốt với bộ, ngành trung ương sớm triển khai các hạng mục: tuyến đường bộ cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, Quốc lộ 30 tuyến tránh TP. Cao Lãnh, tuyến N1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp..., nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin liên quan
Tin khác