Khu công nghiệp Sa Đéc - địa chỉ thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài |
Đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng triển khai đầu tư trên những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển hạ tầng logicstics..., tỉnh Đồng Tháp đã và đang xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
Trên địa bàn Đồng Tháp có 4 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, với tổng diện tích 400 ha, gồm: KCN Sa Đéc (132 ha) tại TP. Sa Đéc; KCN Trần Quốc Toản (56 ha) tại TP. Cao Lãnh; KCN Sông Hậu (63 ha) tại huyện Lai Vung và KCN Tân Kiều (148 ha) tại huyện Tháp Mười.
Trong đó, có 3 KCN đang hoạt động là KCN Sa Đéc, KCN Trần Quốc Toản, KCN Sông Hậu. Đến nay, các KCN này đã thu hút được 66 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12.097 tỷ đồng (bao gồm 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký 232 triệu USD và 54 dự án trong nước).
Hiện nay, tại các KCN Đồng Tháp đã có 57 dự án đi vào hoạt động, 9 dự án đang thực hiện thủ tục pháp lý và xây dựng cơ bản. Các lĩnh vực hoạt động đầu tư chủ yếu gồm: chế biến thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản, sản xuất các mặt hàng may mặc, thực phẩm, trích ly dầu thực vật, vật liệu xây dựng... Tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các KCN đang hoạt động đạt 92%.
KCN Tân Kiều đã hoàn thành thi công xây dựng các công trình thuộc dự án thành phần 1 và một số hạng mục thuộc dự án thành phần 2. Dự kiến, đến năm 2025, KCN Tân Kiều sẽ hoàn thành toàn bộ KCN để đón các dự án sản xuất, kinh doanh.
Riêng tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp có 5 dự án đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của Khu kinh tế đạt gần 39%. Tỉnh đang triển khai Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp giai đoạn III, Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng cửa khẩu quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Mộc Rá thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn có 13 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 443 ha.
Các KCN, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp qua việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, giải quyết đầu ra nguyên liệu nông - thủy sản, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ hiệu quả.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp, trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN đạt khoảng 20.140 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 194 triệu USD. Ước cả năm 2024, doanh thu đạt 24.355 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 236 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 12.746 lao động.
“Dọn chỗ” đón nhà đầu tư
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2030, tỉnh thành lập mới 5 KCN với diện tích 866 ha. Từ sau năm 2030 đến năm 2050, thành lập mới 3 KCN và mở rộng 4 KCN với tổng diện tích 3.388 ha.
Bên cạnh đó, trong kỳ Quy hoạch, sẽ thành lập mới 3 KCN trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp với tổng diện tích 1.800 ha, gồm: KCN Thường Phước (huyện Hồng Ngự), diện tích 1.000 ha; KCN Bình Thạnh (TP. Hồng Ngự), diện tích 300 ha và KCN Dinh Bà (huyện Tân Hồng), diện tích 500 ha.
Đối với phát triển cụm công nghiệp, đến năm 2030, Đồng Tháp thành lập mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.180 ha, nâng tổng số thành 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.623 ha. Các cụm công nghiệp được bố trí thuận lợi giao thông, vùng nguyên liệu, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các dịch vụ phục vụ người lao động.
Về phương án phát triển khu kinh tế, tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp với 2 cửa khẩu quốc tế (Thường Phước, Dinh Bà) và 5 cửa khẩu phụ (Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú) trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế với Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mekong.
Ông Phạm Tấn Xiếu, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, Ban Quản lý đang thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng các KCN Hòa Tân, Sông Hậu 2, Cao Lãnh III, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ tham mưu trình UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập KCN.
Riêng KCN Ba Sao (huyện Cao Lãnh) đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết và công bố quy hoạch (tháng 12/2022), đang mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai lập quy hoạch xây dựng các KCN khác khi đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch, nhu cầu phát triển thực tế, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư hạ tầng KCN theo Quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai lập các quy hoạch: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu, Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Lô F Khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước.
Về công tác xúc tiến đầu tư, theo ông Phạm Tấn Xiếu, trong thời gian tới, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực để triển khai xây dựng hạ tầng các KCN mới, hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh để sớm lấp đầy các KCN mới, khu kinh tế cửa khẩu, nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển.
Cùng với đó, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, khảo sát nghiên cứu thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Tiếp tục đồng hành, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp có nhiều lợi thế phát triển do được quy hoạch xây dựng tại các vị trí thuận lợi, kết nối với các tuyến quốc lộ quan trọng, nằm gần cặp sông Tiền và sông Hậu, rất thuận lợi cả về giao thông đường thủy và đường bộ; đồng thời, nằm trên vùng nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào. Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với sản lượng lúa, thủy sản đứng trong nhóm đầu cả nước và có nhiều loại cây trái nổi tiếng như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Hồng Lai Vung, sen Tháp Mười...
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai đầu tư như: cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ (cắt qua tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia) giai đoạn I; nâng cấp Quốc lộ 30 - TP. Cao Lãnh. Ngoài ra, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, giai đoạn I dự kiến khởi công vào tháng 12/2025... Đây là các dự án hạ tầng giao thông có sức lan tỏa mang tính liên vùng, kết nối Đồng Tháp gần hơn với các vùng kinh tế trọng điểm. Qua đó, càng tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của tỉnh Đồng Tháp nói chung, trong đó có các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.