Đầu tư
Đồng Tháp đề nghị bổ sung một số nội dung Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Trúc Giang - 18/03/2022 14:21
UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung phương án tuyến khi giao cắt hệ thống các tuyến đường huyện lộ đảm bảo phù hợp, hiệu quả; cụ thể hóa đường gom trong bước thiết kế kỹ thuật...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang vừa ký Công văn số 81/UBND-ĐTXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ý kiến thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Sau khi tiếp nhận Công văn số 1345/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 4/3/2022 và các tài liệu đính kèm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ý kiến thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, qua nghiên cứu tài liệu, UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng hồ sơ trình thẩm định phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Bình đồ tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Về thông tin dự án, UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất.

Cụ thể, địa điểm thực hiện dự án tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 6.029 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Giao thông - Vận tải và vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 24/01/2022.

Thời gian thực hiện dự án: năm 2022 chuẩn bị dự án; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023 cơ bản đạt 90% - 95%; thi công xây dựng công trình năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025; hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng vào năm 2026.

Để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện và phù hợp với chủ trương phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến chia dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (Km0 đến khoảng Km18+200) có chiều dài khoảng 18,2 km thuộc xã An Bình và xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.307 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (khoảng Km18+200 đến khoảng Km27+430) có chiều dài khoảng 9,23 km thuộc xã Tân Hưng và xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.722 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo dự án về lâu dài là tuyến cao tốc hoàn chỉnh kết nối khai thác đồng bộ, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Cơ quan chủ quản giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Bộ Giao thông - Vận tải) xem xét, điều chỉnh bổ sung một số nội dung như sau:

Bổ sung phương án tuyến khi giao cắt hệ thống các tuyến đường huyện lộ đảm bảo phù hợp, hiệu quả;

Cụ thể hóa đường gom trong bước thiết kế kỹ thuật. Đối với cống chui dân sinh đề nghị nghiên cứu bố trí cự ly phù hợp;

Khi lập dự án cần phối hợp địa phương khảo sát thực tế bổ sung một số cống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Hệ thống đường dân sinh xây dựng cần nghiên cứu, khảo sát đầy đủ bảo đảm kết nối hệ thống đường địa phương, bảo đảm tĩnh không (đường chui). Cần phải có hệ thống hoàn trả tưới tiêu phù hợp khi dự án cắt qua khu vực sản xuất, dân cư.

UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị xây dựng đồng thời tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh hoặc xây dựng một đoạn tuyến khoảng 4 km thuộc tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh để kết nối vào tuyến N2B đảm bảo giao thông, thông suốt.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Cơ quan chủ quản giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, cập nhật lại một số thông tin như: điều chỉnh giữa bản vẽ và thuyết minh có sự sai khác chưa khớp khoảng cách điểm cuối tuyến với Quốc lộ 30 hiện hữu (bình đồ điểm cuối tuyến cách Quốc lộ 30 hiện hữu là 2 km, còn thuyết minh điểm cuối tuyến cách Quốc lộ 30 hiện hữu là 1,8 km); Điều chỉnh tại Phụ lục 6 - Thống kê nút giao liên thông và trực thông của thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án: Thì cầu vượt tuyến ĐT.850 thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp, không phải thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang như báo cáo;

Tại điểm 7. Phạm vi, địa điểm thực hiện dự án, trong phần A. Thông tin cơ bản dự án của Tập I: Thuyết minh dự án có viết: “Điểm đầu: Giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”. Đề nghị sửa lại cho phù hợp với địa danh là: “Điểm đầu: Giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km) thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”.

Bên cạnh đó, để nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án được hoàn thiện, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chủ dự án loại bỏ các căn cứ pháp lý: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT do đã hết hiệu lực thi hành...

Tin liên quan
Tin khác