Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với doanh nghiệp đến Đồng Tháp tìm kiếm cơ hội đầu tư Ảnh: Văn Khương |
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trên cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Đồng Tháp tiếp tục duy trì ổn định, một số ngành kinh tế khôi phục nhờ thực hiện “mục tiêu kép”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,44%, trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,73%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,69%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 5,73%.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 2,76% so với cùng kỳ năm 2020.
- Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Sản xuất công nghiệp được khôi phục, giá trị tăng thêm tăng 4,63% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 33.652 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 54,52% kế hoạch.
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 50.728 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 606 triệu USD (không tính xăng dầu tạm nhập tái xuất), tăng 27,13% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 50,08% kế hoạch.
Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: thủy sản đông lạnh đạt 327 triệu USD (sản lượng tăng 12,8%, kim ngạch tăng 8,96%); gạo đạt 62 triệu USD (sản lượng tăng 10,72%, kim ngạch tăng 10,73%); bánh phồng tôm và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 11 triệu USD (sản lượng tăng 36,86%, kim ngạch tăng 40,07%); các sản phẩm ngành may tăng 71,72%.
Môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện rõ rệt
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp nhiều năm liên tục đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước, cho thấy các định hướng và phương pháp thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi của tỉnh liên tục được phát huy, đã tạo ra hiệu ứng tốt, một hình ảnh Đồng Tháp tích cực, hấp dẫn trong mắt doanh nghiệp và nhà đầu tư, để từ đó mạnh dạn tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ước có 300 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020), với tổng vốn đăng ký gần 2.419 tỷ đồng (quy mô vốn tăng 1.216 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020), nâng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 4.303 doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón tiếp, làm việc với nhiều nhà đầu tư, tổ chức, cơ quan ngoại giao nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế.
Ngày 24/6 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã làm việc với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex về việc công ty này đề xuất đầu tư khu công nghiệp tại huyện Lấp Vò với quy mô 674 ha, chức năng đa ngành nghề, nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầu tư khai thác các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của địa phương. UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh làm đầu mối, phối hợp với Sở Công thương, UBND huyện Lấp Vò và các đơn vị liên quan cung cấp thông tin, hỗ trợ Công ty tiến hành khảo sát, lựa chọn vị trí để tiến hành thực hiện dự án.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2021, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Dương đã đề xuất đầu tư Dự án Khu đô thị Park City tại TP. Cao Lãnh với quy mô khoảng 99 ha. Dự án bao gồm các hạng mục công trình cảnh quan công cộng, trường học, bệnh viện, văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở kinh doanh, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise đã đề xuất đầu tư phát triển Khu đô thị mới phường 3 (TP. Cao Lãnh), đồng thời tài trợ lập quy hoạch khu đô thị này.
Tập đoàn T&T đang khảo sát, lập quy hoạch nhằm xúc tiến đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, gồm: Quy hoạch chung thị trấn Tràm Chim và vùng phụ cận với quy mô 3.800 ha, Khu hỗn hợp thương mại dịch vụ và tài chính Cao Lãnh quy mô trên 1 ha, Khu đô thị mới An Lạc 1 (huyện Cao Lãnh) quy mô gần 50 ha, Khu đô thị mới An Lạc 2 (TP. Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh) có diện tích trên 44 ha, Khu công nghiệp công nghệ cao huyện Lấp Vò diện tích 250 ha, Khu đô thị Tân Mỹ (huyện Lấp Vò) diện tích 50 ha, Khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông phía Đông TP. Sa Đéc quy mô 172 ha…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm về hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, phía Tập đoàn Quế Lâm sẽ thực hiện mô hình và hướng dẫn phổ cập về việc làm mô hình nông nghiệp hữu cơ; hướng đến việc xác định hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, chọn một số cây trồng thích hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường để đầu tư liên kết trong việc sản xuất thu mua; tạo ra chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Những nỗ lực của tỉnh trong việc tăng cường quảng bá xúc tiến đầu tư bằng các hình thức phù hợp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã mang lại kết quả đáng khích lệ. 5 tháng đầu năm nay, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút thêm 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 835 tỷ đồng, tăng 30% về số dự án và tăng hơn 2,3 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tiêu biểu như: Dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử, điện cơ tại Cụm công nghiệp Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân (huyện Tháp Mười) do Công ty TNHH Điện tử ASTI đầu tư, với mục tiêu sản xuất cụm dây dẫn điện cho xe ô tô, mô tô các loại có công suất thiết kế 5.000.000 (bộ/set) dây/năm. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 93,4 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Phan Chu Trinh School do Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ đào tạo Khai Minh đầu tư tại phường An Thạnh (TP. Hồng Ngự) với diện tích sử dụng đất là 10.287,55 m2, diện tích xây dựng công trình là 4.110 m2, diện tích sàn 12.859 m2, cao 5 tầng, tổng vốn đầu tư 175 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là hình thành trường liên cấp từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông, đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn của ngành giáo dục, với quy mô dự kiến 900 - 1.200 học sinh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy chế biến trái cây tại thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự). Dự án có quy mô diện tích đất dự kiến sử dụng là 20.528 m2; công suất chế biến trái cây dự kiến là 168.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Các thủ tục để triển khai dự án đang được thực hiện theo quy định.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mặc dù đạt thứ hạng cao, nhưng nhìn vào kết quả PCI, có thể thấy, dư địa cải thiện của tỉnh vẫn còn khá nhiều. Điều này chứng tỏ nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết được mong muốn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị tiếp tục phải phấn đấu hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần “đồng hành với doanh nghiệp” để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Với nhận thức đó, đầu tháng 6/2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch tiếp tục cải thiện PCI năm 2021. Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp thực hiện chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”; nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vì sự phát triển của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo kế hoạch trên, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu PCI của tỉnh năm 2021 đạt 74,81 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2020 và duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” trên cả nước.