Tiêu dùng
Đồng Tháp: Huyện Cao Lãnh kết nối tiêu thụ nông sản, tăng hiệu quả kinh tế
Thành Sơn - 17/03/2023 11:22
Huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp hình thành và phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực có mã số vùng trồng và nhà đóng gói liên kết lâu dài, hiệu quả,...

Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây nông nghiệp tương đối cao. Năm 2022, tổng diện tích lúa xuống giống 78.191 ha; xu hướng chuyển đổi canh tác lúa sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn trong những năm gần đây diễn ra khá rộng, chủ yếu là cây ăn trái. Toàn Huyện hiện có trên 9.200 ha cây ăn trái các loại, sản lượng đạt khoảng 172.000 tấn, trong đó chiếm tỷ lệ phần lớn là xoài, chanh, ổi, đặc biệt cây sầu riêng hiện nay người dân đang mở rộng diện tích trồng (khoảng 530 ha).

Nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiêu thụ nông sản, Huyện đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp hình thành và phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực có mã số vùng trồng và nhà đóng gói liên kết lâu dài, hiệu quả, nâng cao giá trị, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số 403 vùng trồng diện tích 31.293,42 ha và chiếm 80,8% diện tích đất sản xuất, có 06 cơ sở được cấp mã số nhà đóng gói,… trên cơ sở đó, góp phần liên kết, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của Huyện, nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Mới đây, qua tìm hiểu các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Cao Lãnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá cao định hướng và tư duy làm nông nghiệp, qua đó từng bước góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương; đồng thời đề nghị địa phương, ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các mô hình phát triển.

Ký kết Hợp tác giữa Công ty CP Megafarm và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh

Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản tại huyện Cao Lãnh diễn ra vào chiều qua 16/3, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chia sẻ về công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian tới. Đồng thời, định hướng các chính sách hỗ trợ, phát triển và nâng cao chất lượng nông sản trên địa bàn tỉnh, huyện; giải pháp hỗ trợ hợp tác xã xây dựng gắn với chuỗi giá trị liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, đại diện các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán nông dân trên địa bàn Huyện chia sẻ về khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp như: truy xuất nguồn gốc; sản xuất theo hướng hữu cơ; cải tạo đất…

Tại Hội nghị Kết nối cung cầu 2023, lãnh đạo tỉnh, huyện còn chứng kiến ký kết 2 bản ghi nhớ về kết nối cung - cầu nông sản năm 2023 giữa Công ty cổ phần Megafarm với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh liên kết tiêu thụ xoài cát chu, xoài tượng da xanh, nhãn và sầu riêng. Và bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH dịch vụ và Thương mại Tân Nam Chinh với Hộ kinh doanh Tổ hợp tác dịch vụ sản xuất xoài Bà két liên kết tiêu thụ các mặt hàng xoài cát chu da vàng theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Thế Hồng Trung, Chủ tịch UBND huyện cho rằng việc tổ chức chương trình nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp với Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán nông dân. Từ đó, giúp Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán có định hướng sản xuất và liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định. Đây còn là dịp để các đại biểu trao đổi làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian qua và tìm những giải pháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới đạt hiệu quả, chất lượng hơn, nhằm gia tăng nguồn lực và hiệu quả kinh tế địa phơng.

Tin liên quan
Tin khác