Đồng Tháp là một trong 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhận Kỷ niệm chương PCI năm 2022. (Ảnh: Nguyệt Ánh) |
Xây dựng chính quyền phục vụ
Ngay sau khi Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 được công bố vào ngày 11/4/2023, trong buổi sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã gửi thư cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà.
Trong thư, ông Phạm Thiện Nghĩa thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có đánh giá khách quan, công tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Theo ông Nghĩa, đó chính là sự động viên, khích lệ to lớn cho cả bộ máy chính quyền tỉnh kiên trì theo đuổi mục tiêu “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cảm ơn cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà đã cùng chung khát vọng, cùng nỗ lực để tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của quê hương “Đồng Tháp Sen hồng”.
Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp phấn khởi khi tỉnh nối dài thành tích 15 năm liên tiếp trong “Nhóm các tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất” cả nước, xếp ở vị trí thứ 5 trên Bảng xếp hạng PCI năm 2022; đồng thời tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, Đồng Tháp có 2 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước, gồm Chỉ số “Tiếp cận đất đai” (7,94 điểm) và Chỉ số “Tính minh bạch” (7,10 điểm). Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn có 2 chỉ số thành phần có điểm số cao, đó là Chỉ số “Tính năng động của chính quyền” và Chỉ số “Chi phí thời gian” lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 cả nước.
“Kết quả đó là sự cổ vũ to lớn và tạo ra sự tự tin cho lãnh đạo chính quyền trong nỗ lực cải cách, hướng đến việc tạo dựng một môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh. Thành tựu trên cho thấy tỉnh Đồng Tháp đã và đang đi đúng hướng trong việc nỗ lực tạo ra những nét hấp dẫn riêng của mình. Cùng với chỉ số năng lực cạnh tranh liên tục nhiều năm đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu đã tạo ra một hiệu ứng tốt, một hình ảnh Đồng Tháp tích cực cho tất cả những ai đang tìm kiếm cơ hội đầu tư”, ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ.
Vui mừng với những kết quả tích cực đạt được, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh nhận thức được rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải phấn đấu hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần "Đồng hành với doanh nghiệp" để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “Tôi xin khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đang theo đuổi. Trên chặng đường phát triển, chúng tôi cũng ý thức được rằng, chúng tôi phải đang chắt chiu từng cơ hội của doanh nghiệp và nhà đầu tư, vì đó cũng chính là cơ hội của chúng tôi… Tôi kêu gọi tất cả cán bộ, công chức, viên chức không tự bằng lòng với những thành quả đạt được, mà phải tiếp tục thay đổi tư duy quản lý, tác phong làm việc, cùng nhau xây dựng một chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân doanh nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa (thứ 5 từ trái sang) tiếp các đối tác Nhật Bản |
Hiệu ứng tốt
Trong năm 2022, công tác cải thiện môi trường đầu tư đặt trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội” được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm. Các cấp chính quyền của tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã đưa chỉ tiêu về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (Nghị quyết 02-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025) để quán triệt tư tưởng và thống nhất chỉ đạo chung. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, xếp hạng PCI Đồng Tháp phải nằm trong Nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu trên cả nước.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, quan trọng, cấp bách nhằm hỗ trợ và phát triển kinh tế tư nhân.
Cụ thể, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (qua các mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, Tổng đài 1022, đi cơ sở, họp mặt doanh nghiệp định kỳ...); tập trung triển khai các gói chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các đối tượng thụ hưởng.
Triển khai thực hiện mô hình dịch vụ hành chính công để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định chung theo Luật chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp như: đất đai, xây dựng, thuế, tiếp cận vốn...
Bên cạnh đó, Đồng Tháp đã thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp như: hỗ trợ xúc tiến thương mại, đổi mới khoa học và công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động... Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Không gian khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương tháo gỡ, loại bỏ những rào cản trong đầu tư kinh doanh; góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư...
Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Đồng Tháp đã mang lại kết quả tích cực, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 tăng cao. Năm 2022, toàn tỉnh có 738 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 50,61% so với năm 2021, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.411 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2022 khoảng 5.028 doanh nghiệp; đóng góp của doanh nghiệp vào thu ngân sách nhà nước ước đạt 55%; bình quân đóng góp của doanh nghiệp vào GRDP của tỉnh năm 2022 là 29,35%.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập tăng cao, Đồng Tháp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư như: Công ty CP NovaGroup, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland, Công ty CP Đồ hộp Hạ Long... Trong năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận mới 78 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó, có 22 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 4.079 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với năm 2021.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, Đồng Tháp luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh là một quá trình, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị.
Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả sẵn có, Đồng Tháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn...
Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện các quy định của pháp luật để ban hành các chính sách hỗ trợ của địa phương ở mức tối đa theo thẩm quyền của địa phương trên các lĩnh vực như: nông nghiệp; khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường, công trình cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch; hoạt động khoa học và công nghệ; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; khu công nghiệp… để nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành, từ đó tạo nên những lý do để nhà đầu tư chọn đầu tư vào Đồng Tháp.