Bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế - Tổ trưởng Tổ hỗ trợ phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp . Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp |
Số trường hợp truy vết F1, F2 liên quan các chùm ca bệnh trên địa bàn huyện là 917 trường hợp và đang tiếp tục tăng. Ngoài ổ dịch tại Ngân hàng Agribank Châu Thành, địa phương phát hiện thêm ổ dịch mới tại xã An Hiệp, An Nhơn khi liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới.
Tiếp theo, huyện Lấp Vò và huyện Lai Vung là 2 địa phương có ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng mới xuất hiện, nguồn lây từ ca bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Xí nghiệp May 6 (thành phố Sa Đéc). Hiện tại, huyện Lấp Vò có 09 ca dương tính SARS-CoV-2, huyện Lai Vung có 18 ca. Tất cả các trường hợp F1 đều được tổ chức cách ly y tế tập trung, các trường hợp còn lại cách ly y tế tại nhà và theo dõi sức khoẻ.
Như vậy sau điểm nóng tại Bệnh viện Sa Đéc, Xí nghiệp May 6 trên địa bàn TP. Sa Đéc được phát hiện vài ngày trước đây, tiếp theo các huyện Châu Thành, Lấp Vò và Lai Vung được đánh giá là những điểm nóng mới, nguy cơ cao về các ca lây bệnh trong cộng đồng đang diễn biến phức tạp.
Làm việc với lãnh đạo Châu Thành vào trưa nay, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong nhấn mạnh, dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và Châu Thành là một trong những “điểm nóng” của tỉnh, do đó, yêu cầu cấp uỷ, chính quyền địa phương phải tập trung cao độ, bình tĩnh xử lý nhịp nhàng, chặt chẽ, duy trì chế độ báo cáo thường xuyên, kịp thời để có những chỉ đạo xử lý đúng và hiệu quả. Cần lấy bài học từ Xí nghiệp May 6, thành phố Sa Đéc, trong thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; trong đó cần chuẩn bị khu vực cách ly ngay trong cơ sở sản xuất, khi cần thiết và bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch…
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu yêu cầu ngành y tế cử lãnh đạo Sở, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trực tiếp đến hỗ trợ địa phương; đồng thời tiếp tục chi viện lực lượng tình nguyện viên từ các cơ sở đào tạo về y tế cho huyện phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đề nghị các địa phương cần phối hợp tốt với các chuyên gia y tế, các lực lượng tình nguyện viên đẩy nhanh tiến độ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và thu dung, cách ly các ca mắc/nghi mắc Covid-19; khoanh vùng, sàng lọc triệt để, khống chế và ngăn chặn không để dịch lan rộng hơn, ông Bửu nhấn mạnh.
Làm việc với lãnh đạo hai huyện Lấp Vò và Lai Vung vào trưa nay, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các địa phương cần nâng cao hơn trách nhiệm người đứng đầu, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, lấy sức khoẻ, sự bình an của người dân làm thước đo hiệu quả.
Bên cạnh đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của huyện Lấp Vò, Lai Vung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Mọi phương án của chính quyền nếu không được người dân đồng thuận thì sẽ không đạt hiệu quả - ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu kích hoạt hệ thống Tổ nhân dân tự quản, trong từng gia đình khi có người đến - đi từ vùng dịch phải thông tin cho ngành chức năng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các địa phương chủ động nắm bắt tình hình, thông tin nhanh, truy vết thần tốc các trường hợp liên quan dịch bệnh; thực hiện tốt nguyên tắc “4 tại chỗ”, đặc biệt là test nhanh dịch bệnh để phân loại. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin để nắm danh sách cụ thể từng người lao động tại doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn để truy vết ngay khi cần thiết.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, sáng nay, tỉnh Đồng Tháp cùng một số thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và thành phố Sa Đéc có buổi tiếp và làm việc với Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại tỉnh Đồng Tháp.
Bà Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế - Tổ trưởng Tổ hỗ trợ cho biết thêm, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổ hỗ trợ có 09 thành viên là chuyên gia y tế đến từ các Cục, Viện thuộc Bộ Y tế. Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm; hỗ trợ công tác điều trị; hướng dẫn đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch, xử lý dịch trong khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu vực công cộng. Tổ hỗ trợ sẽ chia làm 03 nhóm sẽ khảo sát thực tế tình hình công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; hoạt động truy vết, dập dịch của các địa phương; hoạt động của khu cách ly, bệnh viện dã chiến; qua đó, phân tích và đưa ra những khuyến nghị để tỉnh sớm kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu cảm ơn sự quan tâm của Bộ Y tế, cũng như các thành viên của Tổ hỗ trợ trong công tác phòng chống, dịch Covid-19 tại địa phương; đồng thời yêu cầu các lực lượng, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương phối hợp với thành viên Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế thực hiện nhanh các nhiệm vụ được giao.
Hiện có 84 giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp đã đến thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Trong ngày mai (4/7), có khoảng 180 sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục đến hỗ trợ các địa phương của tỉnh Đồng Tháp để truy vết, dập dịch.