Thời sự
Đồng Tháp xây dựng “vùng xanh”, hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản
Huy Tự - 02/08/2021 09:22
Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai ý tưởng xây dựng “vùng xanh” - vùng không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tăng cường hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống Covid-19 tại TP. Cao Lãnh

Tấn công thật nhanh để có chuyển biến tích cực, không để kéo dài

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp tại Hội nghị Giao ban trực tuyến với các địa phương vào cuối tháng 7 vừa qua.

Theo đó, nguyên tắc thực hiện “vùng xanh” là triển khai ở khu vực nhóm cộng đồng dân cư hiện không có ca nhiễm Covid-19; được quản lý bởi tổ chức cộng đồng (tổ nhân dân tự quản, tổ dân phố...) trên nguyên tắc tự nguyện, hỗ trợ lẫn nhau, có sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Các địa phương trong tỉnh cần có giải pháp hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân đi thăm đồng, hỗ trợ tiêu thụ một số loại nông sản đến mùa thu hoạch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tiến độ chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

- Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Về giải pháp, các bước thực hiện gồm: xây dựng bộ tiêu chí cơ bản để làm căn cứ công nhận “vùng xanh”; xây dựng mẫu quy tắc ứng xử chung trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia xây dựng “vùng xanh”; tiến hành xét nghiệm sàng lọc (theo hộ gia đình) để đảm bảo không lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng...

Cuối tháng 7/2021, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cũng đã đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo TP. Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự về thực hiện ý tưởng xây dựng “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao ý tưởng xây dựng “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Hồng Ngự và TP. Hồng Ngự, đồng thời khuyến khích các huyện, thành phố có những mô hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Song song đó, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có Chỉ thị số 380/UBND-THVX về việc chấp thuận chủ trương giao Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là đầu mối của tỉnh thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, đăng ký mua 200.000 liều vắc-xin Nanocovax, nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận nguồn và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong cộng đồng, nhất là tại các đơn vị, doanh nghiệp có đông công nhân đang làm việc, sản xuất tại các nhà xưởng trên địa bàn.

Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Trước đó, trong văn bản gửi UBND tỉnh, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cam kết chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen với số lượng dự kiến 200.000 liều vắc-xin, giá bán 120.000 đồng/liều (chưa bao gồm thuế VAT).

Dựa trên nhu cầu mà các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đăng ký, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn sẽ có sự điều chỉnh tương ứng về số lượng và đặt hàng theo từng đơn hàng cụ thể với Nanogen.

Cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng bình ổn giá

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 24/7, Bưu điện tỉnh Đồng Tháp (VN Post Đồng Tháp) tổ chức chương trình cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng bình ổn giá tại 24 điểm bán trên toàn tỉnh. Người dân có thể đến trực tiếp VN Post Đồng Tháp hoặc các bưu cục trực thuộc trên toàn tỉnh để mua các mặt hàng thiết yếu thuộc các ngành hàng thực phẩm khô, sản phẩm sát khuẩn, tẩy rửa... Các mặt hàng này sẽ được VN Post Đồng Tháp bán với giá bình ổn theo đúng niêm yết của nhà cung cấp nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Ngoài ra, VN Post Đồng Tháp còn tổ chức tiếp nhận thông tin nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân qua điện thoại tại các điểm bán hàng và chuyển hàng đến tận nhà (phí chuyển phát, giao hàng đến địa chỉ yêu cầu là 15.000 đồng/đơn hàng trong phạm vi bán kính 5 km tính từ điểm bán).

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết thêm, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường nắm thông tin dư luận. Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyền thông, tạo tinh thần lạc quan và niềm tin trong nhân nhân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tiếp tục tập trung toàn lực tầm soát, dập dịch tại Sa Đéc và Lai Vung; không chủ quan đối với những nơi đã giảm ca mắc như Châu Thành; rà soát từng khóm/ấp để giảm khu phong tỏa, chuyển trạng thái sang “vùng xanh”; kiểm soát chặt, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin trong cộng đồng.

Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân Đồng Tháp đang sinh sống, học tập, làm việc tại TP.HCM và một số địa phương khác gặp khó khăn do dịch Covid-19.

“Các địa phương trong tỉnh cần có giải pháp hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân đi thăm đồng, hỗ trợ tiêu thụ một số loại nông sản đến mùa thu hoạch (nhãn, xoài, mít, ngô...); đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và tiến độ chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đánh giá, điểm đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh trong nhiều năm qua là nông dân đã phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các mô hình mới như mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình... đã giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 370 - 450 triệu đồng/ha so với canh tác lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Để góp phần giúp các doanh nghiệp vượt khó trước tác động của đại dịch Covid-19, chương trình hợp tác giữa Sở Công thương Đồng Tháp và Công ty cổ phần Công nghệ Haravan đã hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh triển khai các giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phải kể để đến việc ra mắt website về các sản phẩm nông sản và đặc sản của Đồng Tháp tại địa chỉ https://www.htxdacsandongthap.com. Mục tiêu của website nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh qua kênh thương mại điện tử trước tình hình dịch bệnh Covid-19; đồng thời giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm...

Đáng chú ý, ngày 29/7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nhãn và các sản phẩm OCOP theo hình thức trực tuyến tại 3 điểm cầu Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hà Nội. Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các kênh thương mại điện tử, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước.

Có thể thấy, chưa bao giờ, tình hình tiêu thụ nông sản lại khó khăn như hiện nay. Nông sản không chỉ chật vật tìm đường xuất khẩu, mà do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường nội địa cũng gặp nhiều khó khăn.

Phát huy sức mạnh chuỗi liên kết nông sản trong mùa dịch, trong khi nhiều địa phương gặp khó khăn trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ nông sản, thì mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết giữa các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp lại tiêu thụ rất hiệu quả. Đó là nhờ vào sự minh bạch về nguồn gốc và gắn chặt trách nhiệm với người sản xuất...

Sản xuất sạch và thực hiện chuỗi liên kết không chỉ giúp người nông dân nâng cao giá trị nông sản, mà còn là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả bền vững cho sản xuất - tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
Tin liên quan
Tin khác