Thời sự
Đồng thuận và trách nhiệm để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Bảo Duy - 05/05/2024 12:26
Vì không có được sự đồng thuận 100% từ các cơ quan liên quan, nên một số vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã không thể xuất hiện trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) buộc phải nhắc đến lý do dẫn tới sự “biến mất” của hàng loạt rào cản, điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp đã kiến nghị, được chứng minh là không còn phù hợp, cần phải bỏ, thậm chí đã từng hiện diện trong các phiên bản dự thảo đầu tiên của Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết 02)..

Đây không phải lần đầu tiên, những khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận 100% trong các đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh. Thậm chí, việc các cơ quan quản lý chuyên ngành bảo vệ các công cụ để phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng thường thấy và dễ hiểu. Nhưng thực tế cho thấy, trong cơ chế tìm kiếm sự đồng thuận này, đòi hỏi về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt lợi ích chung của nền kinh tế lên trên phải cao hơn bao giờ hết.

Cần phải làm rõ, từ năm 2023, đã có một số thay đổi về quy trình lập pháp, trong đó có việc xử lý những vấn đề có ý kiến khác nhau.

Trước đây, trong trường hợp này, Chính phủ hoặc lãnh đạo Chính phủ có thể quyết định theo thẩm quyền hoặc theo biểu quyết bằng đa số. Nhưng hiện nay, lãnh đạo Chính phủ thường yêu cầu họp lại một lần nữa, lắng nghe ý kiến của các bên và cố gắng đưa ra giải pháp đồng thuận trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp thay đổi này vào nhóm những cải tiến đáng chú ý trong năm 2023, xem đó là cách làm tốt nhằm bảo đảm chất lượng văn bản pháp luật.

Hơn thế, theo VCCI, để đảm bảo được yêu cầu này, tại cấp bộ, ngành và chuyên viên, quy trình xây dựng pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, vấn đề trình tự thủ tục xây dựng văn bản luôn được các thành viên xem xét rất kỹ lưỡng. Các công đoạn cần phải thực hiện, như thời hạn đăng tải công khai, lấy ý kiến của các đơn vị bắt buộc, thời hạn thẩm định, thẩm tra, thời điểm trình hồ sơ… được tính toán và chuẩn bị kỹ càng hơn.

Hiện tại, Bộ Tư pháp và các vụ pháp chế tại các bộ luôn yêu cầu phải hoàn thành việc lấy ý kiến và có đủ hồ sơ tiếp thu, giải trình, thì mới tiến hành thẩm định.

Việc chuẩn bị ý kiến góp ý tại các bộ, ngành cũng được tiến hành kỹ lưỡng hơn. Nếu như trước đây, khi nhận được đề nghị góp ý một dự thảo văn bản pháp luật, lãnh đạo các bộ thường phân công cho một đơn vị chuyên môn trong bộ để tham mưu ý kiến. Còn hiện nay, phần lớn các bộ đã yêu cầu nhiều đơn vị khác trong bộ phải phối hợp chuẩn bị ý kiến. Điều này có thể khiến thời gian để có được ý kiến từ các bộ kéo dài hơn, nhưng VCCI tin rằng, chất lượng ý kiến được bảo đảm và không bị bỏ lọt vấn đề.

Song, việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bộ, ngành khi có sự khác biệt về quan điểm luôn khó, vì thay đổi thường đi kèm với những tác động, có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, những diễn biến mới về điều kiện kinh doanh đòi hỏi phải thay đổi lớn về cơ chế quản lý, có khi là bỏ đi chức năng, nhiệm vụ nào đó của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này có thể thấy rõ trong những báo cáo về tình hình thực hiện yêu cầu của Chính phủ liên quan tới việc thu gọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thường đi cùng với thu gọn về thủ tục hành chính, đầu mối quản lý…

Nhưng phải nhắc lại rằng, những nghiên cứu, rà soát của CIEM liên quan đến việc cắt giảm, đơn giản hóa 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh cho thấy, số lượng điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, số lượng quy định được coi là “cắt giảm, đơn giản hóa” chủ yếu tổng hợp theo báo cáo hành chính, chưa có đánh giá về chất lượng cải cách. Do đó, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, trên thực tế, chưa thực sự được cắt giảm. Chưa kể, trong một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, một số điều kiện đã được bãi bỏ trước đó đang xuất hiện trở lại, với hình hài khác nhau…

Nếu trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành với đòi hỏi xác định rõ lợi ích quốc gia, lợi ích ngành, doanh nghiệp trong các đề xuất chính sách không được làm rõ, thì yêu cầu đồng thuận 100% có thể sẽ lại là rào cản mới…

Tin liên quan
Tin khác