Dòng tiền tham gia vào thị trường tăng mạnh mỗi nhịp giảm. |
Dòng tiền lớn bán - mua, khối ngoại lại bán ròng hơn ngàn tỷ đồng
Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch sôi động tiếp tục bán ra hơn 1.180 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 11/11. Chỉ tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại giải ngân thêm 1.087 tỷ đồng, nhưng bán cổ phiếu thu về 2.229 tỷ đồng. Tuy vậy, khối nội vẫn hấp thụ được toàn bộ, giao dịch của nhóm nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch. Trên HoSE, giá trị mua của khối ngoại chỉ chiếm hơn 3% tổng giá trị giao dịch; tỷ lệ giá trị bán của khối ngoại cũng chỉ gần 6,2%.
Giao dịch toàn thị trường phiên hôm nay vươn lên 46.000 tỷ đồng. Trong đó, thị trường trước giờ nghỉ trưa đã giao dịch hơn 30.000 tỷ đồng - mức thanh khoản kỷ lục từng ghi nhận trong một phiên sáng. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường ở mỗi cú rơi sâu.
Cả ba sàn chứng khoán đều lao dốc từ 10h sáng. VN-Index rơi xuống thấp nhất dưới 1.450 điểm, nhưng cũng nhanh chóng bật lên. Ở nửa cuối phiên chiều, dòng tiền cũng “dềnh” lên khi chỉ số quay đầu giảm nhưng vẫn kém sôi động hơn buổi sáng.
HPG là cổ phiếu được sang tay nhiều nhất với giá trị đạt 2.950 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu khác cũng đạt thanh khoản trên ngàn tỷ đồng gồm TCB, SSI, KBC. Thanh khoản nhóm VN30 chiếm hơn 26% trong tổng giá trị giao dịch.
VN30 - nơi tập hợp các cổ phiếu có vốn hóa lớn đạt các tiêu chuẩn về thanh khoản tiếp tục ghi nhận giao dịch khá tiêu cực. VN-Index kết phiên giảm 2,67 điểm, tương đương 0,18%, về mốc 1.462 điểm. Trong khi đó, VN30-Index giảm 0,62%. Trong khi đó, hai chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt giảm % và %.
Chỉ số sàn HNX cũng giảm khá vào cuối phiên chiều nhưng vẫn kịp đóng cửa tăng nhẹ 0,11% lên 438,7 điểm. UPCoM-Index trong khi đó giảm 0,41% xuống còn 109,21 điểm.
VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Ảnh: Pinetree |
Dòng thép tiếp tục lao đao
Giao dịch trên thị trường giằng co, số lượng cổ phiếu tăng giảm cũng phân hóa mạnh. Trong khi thị trường có 480 mã tăng giá, 91 mã tăng kịch trần thì số mã giảm và giảm sàn lần lượt là 400 cổ phiếu và 12 cổ phiếu.
Nhiều dòng cổ phiếu vẫn tiếp tục xu hướng ở phiên hôm qua. Các cổ phiếu thép đang bị bán mạnh dù giá hàng hóa này trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu bật tăng từ mức đáy 8 tháng nhưng vẫn đang thấp hơn 20% so với mức đỉnh từng ghi nhận hôm 11/5. Không riêng HPG, sắc đỏ bao phủ doanh nghiệp ngành tôn thép. Trừ TNA tăng 2,9%, đa phần các cổ phiếu giảm 2-3%. NKG giảm mạnh nhất (-3,4%), SMC giảm 2,7%; HSG giảm 2,2%...
Xu hướng tiêu cực của giá dầu cũng khiến nhiều cổ phiếu dầu khí điều chỉnh sau phiên tăng diện rộng hôm qua. Riêng PLX vẫn ngược chiều tăng 2,6% và nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường. Trong khi đó, GAS và PVS đều nằm trong top 3 cổ phiếu “dìm” thị trường.
Dòng bất động sản trở thành tâm điểm trong phiên hôm nay. Trái với các ông lớn vốn hóa như Vingroup, Vinhomes hay Becamex, nhiều cổ phiếu bất động sản có mức vốn hóa khiêm tốn hơn lại tăng kịch biên độ như TCH, CEO, NLG, QCG, VRC, ICG, CII,... hay cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như ITA hay KBC cũng tăng 4,1%. Đã có những đợt sóng dềnh lên ở nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian gần đây nhưng tập trung nhiều hơn ở cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.