Tài chính - Chứng khoán
Dòng tiền margin đổ mạnh vào thị trường chứng khoán
Thanh Thủy - 25/01/2021 10:09
Các khoản cho vay được các công ty chứng khoán mạnh tay giải ngân trong những tháng cuối năm 2020. Đã có trường hợp tiến đến giới hạn về quy định an toàn tài chính với công ty chứng khoán.

Mạnh tay cấp margin

Môi trường lãi suất thấp cùng sự phục hồi kinh tế trên diện rộng trong nửa sau năm 2020 là động lực chính kéo dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập.

Chung nhịp tăng này, bên cạnh dòng tiền của các nhà đầu tư, dòng vốn cho vay từ các công ty chứng khoán qua các khoản vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán cũng chảy mạnh vào thị trường. Theo số liệu cập nhật từ ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ margin tới ngày 31/12/2020 xác lập kỷ lục mới, với gần 81.000 tỷ đồng, tăng 59%.

Trong top 10 công ty chứng khoán đạt thị phần lớn nhất của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), Công ty cổ phần Chứng khoán VPS mở rộng hoạt động cho vay mạnh nhất (gấp 2,43 lần so với đầu năm). Đây cũng là bên thăng hạng ấn tượng nhất: từ vị trí số 7 lên vị trí số 2. Nhóm 10 công ty chứng khoán này đã giải ngân xấp xỉ 56.330 tỷ đồng cho vay, tăng 64% so với đầu năm và giành được tổng cộng 64,5% thị phần, nhiều hơn gần 2% so với một năm trước.

Sự gia tăng nhanh chóng của dư nợ cho vay margin trong quý IV/2020 diễn ra trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp chưa được bổ sung, tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu đã tăng nhanh chóng tại không ít công ty chứng khoán. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Dù theo ông Phạm Hồng Sơn, tỷ lệ tổng dư nợ margin/quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán đang thấp hơn 1, nhưng thực tế thị trường đã xuất hiện các trường hợp tiến sát mức trần giới hạn.

Tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB, con số này đã nhỉnh lên hơn 2 lần. Giá trị các khoản cho vay đã tăng hơn 53%, lên 4.123 tỷ đồng. Tỷ lệ này tại Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng vọt từ mức 1,1 lần lên 1,94 lần sau khi mở rộng các khoản cho vay thêm 82%. Mirae Asset - công ty giữ ngôi vương về dư nợ margin nhiều quý gần đây, cũng đã giải ngân ra thị trường 11.132 tỷ đồng vào cuối năm 2020, tương đương 1,68 lần vốn chủ sở hữu.

Đi tìm nguồn lực mở rộng hoạt động

SSI - công ty đang nắm giữ thị phần môi giới số 1 trên sàn HoSE, cũng nhanh chóng mở rộng quy mô các khoản vay trong quý cuối năm 2020, từ mức 4.711 tỷ đồng lên hơn 9.200 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm để bổ sung vốn lưu động, ngoài từ phần lợi nhuận tích lũy lại, phần lớn đến từ các khoản vay ngân hàng. Công này đã vay thêm 7.800 tỷ đồng trong quý IV. Dự kiến, SSI còn giải ngân nguồn tiền từ hợp đồng vay vốn tín chấp 85 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng) với các ngân hàng nước ngoài sau khi đã được HĐQT phê duyệt.

Không riêng SSI, quy mô nợ phải trả của nhóm 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần của HoSE đã tăng hơn 51%, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng 13%. Phần lớn các công ty chứng khoán tìm đến kênh tín dụng ngân hàng như SSI, MBS, VNDirect…, hay từ nguồn nợ tài chính khác như VPS.

Theo một chuyên gia trong ngành, thị phần môi giới chứng khoán có xu hướng chuyển dịch nhiều hơn sang các công ty tập trung vào mảng môi giới bán lẻ có các sản phẩm cung cấp ra thị trường với mức phí hấp dẫn và lãi suất cho vay ký quỹ (margin) thấp, cùng đa dạng các sản phẩm chứng khoán có thu nhập cố định.

Các năm trước, nguồn vốn rẻ là lợi thế của các công ty chứng khoán ngoại khi dòng tiền với giá vốn rẻ từ các ngân hàng mẹ nước ngoài liên tục đổ về. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp hiện tại đang tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán tìm được nguồn vốn rẻ hơn. Cùng với việc chấp nhận hưởng phần lãi chênh lệch thấp hơn, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra mức lãi suất margin cạnh tranh hơn để hút khách hàng.

Tận dụng dòng vốn rẻ từ vay nợ, nhưng với các quy định an toàn tài chính hiện tại, bài toán tăng vốn điều lệ cũng cần tính đến. Công ty cổ phần Chứng khoán MB đã tăng vốn hồi tháng 3/2020 khi phát hành mới hơn 42,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu không tăng thêm vốn chủ sở hữu, công ty này sẽ phải thu hẹp các khoản cho vay hiện tại.

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Chứng khoán Pinetree vừa hoàn tất huy động 400 tỷ đồng từ phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông mẹ Hanwha Investment & Securities Co., Ltd. Các công ty chứng khoán Woori, Yuanta hay KIS Việt Nam cũng đã tăng vốn trong năm qua. Trong khối công ty chứng khoán nội, nhiều “bé hạt tiêu” như Tiên Phong, Trí Việt cũng huy động thêm vốn từ cổ đông để tăng năng lực tài chính, đón đầu sự sôi động của ngành.

Tin liên quan
Tin khác