Tài chính - Chứng khoán
Dừng cấp margin cổ phiếu HVN, PLX
Thanh Thủy - 04/09/2020 20:46
Cổ phiếu PLX một lần nữa bị đưa vào danh sách cổ phiếu không được ký quỹ.
HVN cùng PLX không còn được cấp margin do kết quả kinh doanh nửa đầu năm

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa bổ sung hai cổ phiếu HVN và PLX vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, nâng tổng số lượng nhóm này lên 85 mã cổ phiếu.

Trước đó, hai doanh nghiệp nằm trong top đầu vốn hóa thị trường của HoSE này đều vừa công bố báo cáo tài chính soát xét với kết quả lỗ trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2020. Đây cũng là lý do hơn chục mã cổ phiếu bị dừng ký quỹ thời gian gần đây.

Cách đây gần một năm, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng từng bị đưa vào diện không được ký quỹ trong gần một tháng. Nguyên nhân bởi theo báo cáo tài chính soát xét của tập đoàn, kiểm toán viên xác định Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên dự báo và nhiều hơn so với quy định tại chuẩn mực kế toán. Tập đoàn sau đó đã phải làm lại báo cáo soát xét để không còn nội dung ngoại trừ trên. Cổ phiếu PLX nhờ vậy lại tiếp tục được vay margin. Tuy nhiên, ở kỳ báo cáo soát xét lần này, điều trên đã lặp lại.

Dù sau soát xét,  Petrolimex đã giảm đáng kể khoản lỗ ròng từ mức âm 1.079 tỷ đồng hiện chỉ còn âm 693 tỷ đồng (chủ yếu do điều chỉnh chi phí thuế TNDN hoãn lại), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm vẫn là con số âm (-816 tỷ đồng).

Ngành kinh doanh xăng dầu chịu tác động lớn trong nửa đầu năm khi vừa phải đối mặt với sự sụt giảm của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu  và những biến động của giá dầu. Doanh thu bán hàng quý II/2020 của Petrolimex chỉ đạt hơn 26.700 tỷ đồng, mức thấp kỷ lục theo số liệu thống kê các quý từ năm 2013 tới nay. Biên lợi nhuận giảm do tồn kho xăng giá cao ở giai đoạn trước trong khi chi phí lãi vay hay chi phí bán hàng không giảm được nhiều. Petrolimex dù đã có lãi ở quý II nhưng từ nửa đầu năm vẫn thua lỗ.

Tương tự, Vietnam Airlines cũng hoạt động trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch. Khoản lỗ sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm âm 6.559 tỷ đồng.

Doanh thu chính của công ty giảm chỉ còn bằng một nửa cùng kỳ trong khi loạt chi phí cố định lại không thay đổi nhiều. Số lượng nhân sự của Vietnam Airlines cùng các công ty con đến ngày 30/6 là 20.827 nhân sự, giảm 339 người so với thời điểm cuối năm ngoái. Cùng với việc cắt giảm lương, chi phí nhân công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đã giảm 43%. Chi phí nhân công trong hoạt động quản lý doanh nghiệp còn cắt tới 60%.

Tại báo cáo tài chính soát xét, công ty kiểm toán Deloitte cũng đánh giá Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Khả năng hoạt động liên tục vì vậy sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phú và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả cùng diễn biến của dịch bệnh. Tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tới 18.444 tỷ đồng. Ngoài khoản lỗ ròng nửa đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng âm 5.362 tỷ đồng.

“Các yếu tố này cho thấy sự tồn tại của các yếu tõ không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines”, phía Deloitte cũng cho biết thêm.

Theo cập nhật của Vietnam Airlines, hiện Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã và đang xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính để đảm bảo duy trì thanh khoản và hoạt động liên tục, gồm việc cấp tín dụng không quá 4.000 tỷ đồng và cho phép công ty phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đang trong quá trình đàm phán với một đối tác để ký thỏa thuận chính thức bán cổ phần một công ty liên kết, dự kiến hoàn tất chuyển nhượng ngay trong năm 2020.

Danh sách các công ty liên kết của Vietnam Airlines
Tin liên quan
Tin khác