Tài chính - Chứng khoán
Dòng tiền ồ ạt bất chấp lực bán dâng cao, sàn HoSE lại đơ vì thanh khoản “khủng”
Thanh Thủy - 27/05/2021 16:33
Sắc đỏ áp đảo nhưng, lội ngược dòng, một số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngân hàng chưa tăng giá thời gian qua.

Thanh khoản bùng nổ, hơn 28.840 tỷ đồng đổ vào thị trường

Từ gần 2h chiều, một số nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE đã phản ánh khó khăn trong việc gửi lệnh mua/bán cổ phiếu. Giá trị giao dịch khớp lệnh khi đó đã hơn 21.500 tỷ đồng, chỉ khoảng 400 tỷ đồng tiếp tục được hấp thụ vào sàn HoSE sau đó.

Cùng với gần 2.180 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận, thanh khoản trên HoSE tiếp tục lập kỷ lục mới với gần 733 triệu cổ phiếu chuyển nhượng tương đương giá trị giao dịch 24.088 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không gặp giới hạn về khả năng tiếp nhận lệnh do hạn chế của hệ thống giao dịch, giao dịch thậm chí còn có thể sôi động hơn.

Giao dịch trên HNX và UPCoM cũng ở mức cao. Thanh khoản trên ba sàn do đó vọt lên 29.399 tỷ đồng.  Dòng tiền đã vào mạnh khi lực bán dâng cao.

Đảo chiều giảm từ cuối phiên sáng, VN-Index và HNX-Index đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index có lúc rơi xuống nhất 1.299,99 điểm nhưng đã bật trở lại và giữ được "thành quả" khi đóng cửa tại mức 1.303,97 điểm, giảm 13,13 điểm (-1%) so với hôm qua. VN30-Index rơi sâu hơn (-17,73 điểm). HNX-Index chỉ giảm 0,14% xuống còn 304,45 điểm. UPCoM-Index là chỉ số duy nhất đóng cửa tăng tới 1,23% lên sát 84,1 điểm.

Áp lực bán gia tăng kể từ cuối phiên sáng đưa VN-Index về sát mốc 1.300 điểm

Điểm chung ở cả ba sàn là số lượng mã chứng khoán giảm điểm vượt trội so với số mã tăng. Sàn HoSE chỉ có 93 cổ phiếu tăng giá, trong khi gần 250 cổ phiếu giảm giá. Nhóm VN30 cũng chỉ 6 cổ phiếu giữ được sắc xanh khi kết phiên. Ngay ở sàn UPCoM, cũng chỉ có 114 mã tăng trong khi tới 152 mã giảm.

Cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sự phân hóa mạnh. Các cổ phiếu ở các ngân hàng nhỏ chưa tăng giá thời gian qua lại trở thành các cổ phiếu dẫn dắt. Trên sàn UPCoM,cổ phiếu VietBank (VBB), SaigonBank (SGB), BaovietBank (BVB), NamABank (NAB) hay ABBank (ABB) tăng từ 7,5% đến gần 14%. Hay tại sàn HNX, trong khi SHB là yếu tố kéo chỉ số tụt lùi thì BAB và NCB lại kéo gỡ được một phần đà giảm.

Dòng tiền trước đây chưa quan tâm đến các cổ phiếu ngân hàng này nên khối lượng giao dịch hiện chỉ ở mức khá nếu so với khối lượng hàng triệu đơn vị/ phiên của nhiều ngân hàng “quen mặt” với giới đầu tư. EIB lại là một trường hợp khá đặc biệt khi vừa tăng kịch biên độ hôm qua, giao dịch vẫn tiếp tục tích cực và đạt mức trần khi xác lập giá đóng cửa. Những câu chuyện chưa được giải quyết giữa các nhóm cổ đông lớn cũng đang làm nóng giao dịch cổ phiếu EIB trên sàn.

Với vốn hóa lớn và giá trị giao dịch nhiều cổ phiếu trong nhóm nằm ở top đầu thị trường, nhóm ngân hàng dẫn dắt đà tăng của chỉ số trong nhiều phiên gần đây, kéo các chỉ số tăng, riêng VN-Index đã vượt mốc 1.300 điểm. Ngoài ra, như tại phiên 27/5, 4/5 cổ phiếu giao dịch trên 1.000 tỷ đồng/phiên là cổ phiếu nhà băng, gồm VPB, STB, MBB và CTG bên cạnh cổ phiếu ông lớn thép (HPG).

Áp lực chốt lời sau các phiên tăng điểm vừa qua cùng thông tin tiêu cực khi phát hiện chùm ca nhiễm dịch Covid-19 mới trong cộng đồng tại TPHCM là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Từng là các trụ cột chính, bốn cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, BID, TCB và CTG lần lượt trở thành yếu tố đẩy VN-Index giảm sâu trong phiên điều chỉnh này. Hai cổ phiếu nhà Vin (VIC và VHM), Masan, PV Gas hay HPG cũng nằm trong top đầu kéo giảm thị trường.

Nước ngoài mua ròng, chủ yếu nhờ giao dịch cổ phiếu Petrolimex

Giá trị giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài không ghi nhận quá nhiều đột biến dù thanh khoản bùng nổ trên thị trường. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào 1.720 tỷ đồng và bán ra 1.617 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng hơn 100 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, giao dịch mua cổ phiếu PLX của ENOES đóng góp  136 tỷ đồng  vào giá trị mua ròng của khối ngoại. Đây là nhà đầu tư nước ngoài thuộc nhóm cổ đông chiến lược của Petrolimex.

THD là cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ 2(gần 133 tỷ đồng). Khối ngoại cũng đã có phiên mua ròng cổ phiếu VNM ngày thứ 4 liên tiếp. Giá cổ phiếu VNM vẫn giảm nhẹ (-0,55%) nhưng vẫn giúp Vinamilk dành lại vị trí trong top 5 đứng đầu về giá trị vốn hóa thị trường.

Tin liên quan
Tin khác