Với nhà đầu tư có khẩu vị thận trọng, tỷ lệ phân bổ tài sản nên tập trung chủ yếu vào tiền gửi tiết kiệm. |
Xoay trục chính sách tiền tệ, vị thế các kênh đầu tư sẽ đổi ngôi?
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, năm 2024 sẽ là năm chính sách tiền tệ của các nước lớn xoay trục. Theo đó, nhiều khả năng Fed, ECB đều quay đầu hạ lãi suất. Sự xoay trục chính sách của các nước lớn sẽ tác động đến tất cả các kênh đầu tư, buộc nhà đầu tư phải thận trọng theo dõi sát sao.
Cùng chung quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, hành động của Fed, ECB, sức mạnh của USD sẽ là tâm điểm thị trường năm 2024. Ngoài ra, chính sách tài khóa của các quốc gia, căng thẳng địa chính trị, an ninh năng lượng... cũng là các yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm.
Với hành động của các nước lớn, nhiều khả năng lãi suất trong nước năm 2024 sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp, hỗ trợ thị trường tài chính, áp lực tỷ giá cũng giảm. Bên cạnh đó, lãi suất của Fed giảm cũng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các thị trường tài chính mới nổi như Việt Nam.
Trong bối cảnh chính sách vĩ mô trong nước và thế giới nhiều biến động, vị thế các kênh đầu tư “vua” năm 2024 dự kiến cũng có nhiều thay đổi. Xét về hiệu suất đầu tư, nếu gửi tiết kiệm được coi là kênh đầu tư tốt nhất năm 2022 vì vừa an toàn, vừa sinh lời cao trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều đi xuống (lãi suất tiết kiệm có thời điểm lên tới 10-12%/năm), thì năm 2023, tiết kiệm trở thành kênh đầu tư sinh lời gần như thấp nhất (lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm).
Trong khi đó, vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2023 với mức tăng giá gần 18% (vàng miếng SJC). Tuy vậy, nhìn về diễn biến dòng tiền, có thể thấy, nhà đầu tư vẫn có xu hướng nắm giữ tiền mặt, bất chấp lãi suất thấp, chủ yếu do thị trường vàng đầy rủi ro, các kênh đầu tư khác đều kém hấp dẫn.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn, song dòng tiền vẫn đổ dồn vào ngân hàng, nguyên nhân là các kênh đầu tư khác đều có độ rủi ro lớn (chứng khoán, bất động sản, vàng) đều rủi ro lớn, ngoại tệ sinh lời thấp. “Trong bối cảnh lòng tin của thị trường đang suy giảm khá mạnh, thị trường trái phiếu và bất động sản “đóng băng”, gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư được lựa chọn”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Nói cách khác, tiền gửi tiết kiệm vẫn là “hầm trú ấn” của nhà đầu tư trong năm 2023 và cả năm 2024. Nếu nền kinh tế chưa khởi sắc, thị trường tài chính và bất động sản còn bất bênh, ngân hàng vẫn là kênh hút tiền gửi. Chỉ khi nền kinh tế khởi sắc, dòng tiền mới xoay chiều sang các kênh đầu tư khác.
Cho đến nay, các dự báo về kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chưa thật sự sáng sủa. Dự báo của các nhà kinh tế cho thấy, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024, chỉ còn 4,6% (năm 2023 là khoảng 5,2%), tăng trưởng GDP của Mỹ về dưới 2%, tăng trưởng GDP của EU dưới 1%...
Bất động sản, chứng khoán sẽ lấy lại vị thế?
Dù ngân hàng vẫn là kênh hút tiền chủ đạo của nền kinh tế, song nếu mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng một phần dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản. Việc giảm lãi suất huy động cùng với các chính sách bán hàng mới đang kích thích giao dịch trên thị trường bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ diễn biến theo kịch bản tốt hơn, cú hích lớn sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024 nhờ lãi suất giảm và bắt đầu có “độ ngấm của chính sách”. Chưa kể, cùng thời điểm đó, tình hình phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam cùng thế giới cũng sẽ rõ nét hơn.
Trên thực tế, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lên từ nửa cuối năm 2023, song giao dịch vẫn chưa thật sự sôi động, chủ yếu là do khan hiếm nguồn cung nhà ở có giá hợp lý. Kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi năm 2024 là có cơ sở. Ngoài bức tranh kinh tế vĩ mô đang sáng dần, Chính phủ đang thúc ép doanh nghiệp bất động sản giảm giá bán nhà. Ngoài ra, dù có hiệu lực và đi vào cuộc sống từ đầu năm 2025, nhưng Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản cũng được kỳ vọng mang lại sức bật mới cho thị trường bất động sản.
Theo ông Phan Dũng Khánh, năm 2024, nhà đầu tư có thể dần chuyển từ tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư mạo hiểm hơn như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất và cơ hội đang được mở ra. “Sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sẽ rõ nét hơn từ giữa năm 2024”, ông Khánh nhận định.
Riêng đối với kênh chứng khoán, các chuyên gia phân tích đều cho rằng, đây là kênh đầu tư “sáng cửa” năm 2024, nếu kinh tế vĩ mô khởi sắc đúng như dự báo. Năm 2023, tăng trưởng GDP thấp hơn dự báo, song Chỉ số VN-Index vẫn tăng hơn 10%. Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho rằng, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tốt hơn năm 2023, một phần do kỳ vọng lợi nhuận thị trường tốt hơn, một phần nhờ nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ mở rộng.
Theo ông Phương, nhiều khả năng, năm 2024, VN-Index đạt 1.300 điểm (+/- 20 điểm) khi kinh tế Việt Nam hồi phục tốt năm 2024; kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế và dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quý II/2024.
“Tuy triển vọng của kênh đầu tư chứng khoán rất sáng sủa, nhưng người dân cũng nên tỉnh táo, không chạy theo đầu cơ, mà xác định đây là kênh đầu tư dài hạn. Hiện hơn 95% nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường là đầu cơ với mong muốn giàu nhanh, song việc này khó xảy ra trên thực tế, sớm muộn gì cũng sẽ gặp rủi ro. Thay vào đó, nên tập trung vào các mã cổ phiếu giá trị và không kỳ vọng quá nhiều tỷ suất sinh lời cao. Đồng thời, luôn chú ý quản trị rủi ro danh mục, tránh đầu tư theo tin đồn”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cảnh báo.
Mặc dù ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn, chi phối định giá thị trường, song bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu FiinGroup đánh giá, đây là hai nhóm ngành chưa có triển vọng thực sự tích cực năm 2024. Ngược lại, một số nhóm ngành được đánh giá tích cực là công nghệ thông tin, thủy sản, dệt may, thép, bất động sản khu công nghiệp…
Đối với nhà đầu tư, lời khuyên được chuyên gia đưa ra nhiều nhất là bỏ trứng vào nhiều giỏ, ưu tiên tỷ trọng dựa trên khẩu vị rủi ro và hiểu biết của mình. Dù ở khẩu vị rủi ro nào, các chuyên gia đều cho rằng, nhà đầu tư nên lựa chọn một tỷ trọng nhất định với vàng (10-15%) và trái phiếu (10-20%), còn lại là tiết kiệm và cổ phiếu.
Với nhà đầu tư có khẩu vị thận trọng, tỷ lệ phân bổ tài sản nên tập trung chủ yếu vào tiền gửi tiết kiệm (75-80%), một phần vào vàng (10-15%) và trái phiếu (10%). Với nhà đầu tư có khẩu vị thận trọng vừa phải, có thể dịch chuyển một phần tiền sang đầu tư cổ phiếu (15-20%). Với nhà đầu tư thiên về tăng trưởng, tỷ lệ đầu tư cổ phiếu có thể ở mức cao hơn (30-40%).
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM)
Cơ hội và thách thức luôn song hành với nhà đầu tư. Lựa chọn đầu tư vào kênh nào phụ thuộc rất lớn vào tiềm lực tài chính, khẩu vị rủi ro, kiến thức, kinh nghiệm của mỗi nhà đầu tư. Nếu khẩu vị rủi ro thấp, nhà đầu tư nên gửi tiền tiết kiệm, còn khẩu vị rủi ro cao, có thể tham gia đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Theo tôi, năm 2024, chứng khoán là một trong các kênh đầu tư sáng giá nhất. Tuy vậy, đây cũng là kênh đầu tư rất rủi ro, nên đa phần người dân cũng chưa dám mạnh dạn đổ tiền cho kênh đầu tư này, mà vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Dòng tiền nếu dịch chuyển mới, chỉ mang tính chất thăm dò, nghe ngóng.