Trên đà tăng trưởng
Nano Technologies - start-up tiên phong ở Việt Nam cung cấp mô hình ứng lương linh hoạt thông qua sản phẩm Vui App, vừa gọi vốn thành công 6,4 triệu USD trong vòng pre-Series A do quỹ đầu tư mạo hiểm (Ventures Capital - VC) có trụ sở tại Singapore là OpenSpace dẫn đầu. Vòng gọi vốn này có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư mới gồm: Partech Partners, Tekton Ventures, KVision, IT Farm và Sketchnote Partners.
Được biết, trước khi đầu tư vào Nano Technologies, OpenSpace đã “chống lưng” cho các start-up khác của Việt Nam, như edtech Topica và nền tảng đầu tư Finhay. Cụ thể, cuối tháng 6/2022, Finhay đã huy động thành công 25 triệu USD vòng Series B do OpenSpace và VIG đồng dẫn đầu, cùng với Insignia, TVS, Headline, TNBAura và IVC.
Tư duy của các bạn trẻ Việt Nam rất ấn tượng - Ông Herston Elton Powers, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc quản lý 1982 Ventures Xu hướng quan trọng nhất đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp fintech. Mặc dù nhiều start-up công nghệ đã giành được thị phần thành công trong mảng ví điện tử, nhưng chúng tôi kỳ vọng, hệ thống dịch vụ tài chính đa dạng hơn sẽ ra mắt trong thời gian tới. Các start-up Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các công ty trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, các nhà sáng lập tại Việt Nam hiểu thị trường địa phương và sẽ xây dựng những start-up giải quyết được nhiều bài toán cho thị trưởng. Tư duy của các bạn trẻ Việt Nam rất ấn tượng và chúng tôi tin rằng, các nhà sáng lập tiềm năng nên hào hứng với cơ hội xây dựng kỳ lân (unicorn) Việt Nam tiếp theo, sau VNG hay VNLife.. |
Hồi cuối tháng 5, True Platform, một start-up công nghệ software-as-a-service (SaaS) đã nhận được 3,5 triệu USD từ các quỹ VC như January Capital, Alpha JWC Ventures và BEENEXT, Tập đoàn FPT và một số nhà đầu tư cá nhân khác. Thương vụ này đánh dấu một trong những khoản rót vốn trong vòng Seed lớn nhất từ trước đến nay vào một start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á. Vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi January Capital, cũng là một quỹ đầu tư đến từ Singapore với kinh nghiệm rót vốn vào hơn 40 start-up, quy mô đầu tư từ giai đoạn Pre-Seed tới Series C.
Trong khi đó, Quỹ 1982 Ventures tới từ Singapore là một nhân tố tích cực đặt cược vào các start-up công nghệ tại Việt Nam và cam kết đầu tư nhiều vốn hơn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong năm nay. Quỹ này nhận thấy rằng, nhiều nhà đầu tư từ Singapore, cũng như các nhà đầu tư trong khu vực và trên toàn toàn cầu đều nhận thức được tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn chưa quen với thị trường và hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây.
“Là nhà đầu tư sớm nhất vào Infina, Fundiin và Homebase, 1982 Ventures đã chứng minh rằng, chúng tôi hiểu và có khả năng tiếp cận các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam chất lượng cao ở những giai đoạn sớm nhất”, đại diện Quỹ 1982 Ventures cho biết.
Tháng 5/2022, một VC khác có trụ sở tại Singapore là Golden Gate Ventures (GGV) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký một thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai bên và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Theo đó, GGV sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy trao đổi, khuyến khích các ý tưởng và sáng tạo mới, đồng thời là chất xúc tác để thúc đẩy vị thế của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trong khu vực.
Môi trường năng động nhất châu Á
Nghiên cứu chung mới nhất của KPMG-HSBC về các start-up công nghệ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam có lợi thế là một môi trường năng động nhất châu Á trong lĩnh vực khởi nghiệp. Nền tảng dữ liệu khởi nghiệp Tracxn tính toán, từ con số 1.600 start-up trước đại dịch Covid-19, tổng số start-up đã tăng lên hơn 3.000 công ty.
Theo Hiệp hội Fintech Singapore, một số nhà đầu tư fintech tích cực nhất tại Việt Nam, gồm Y Combinator, Jungles Venture, 1982 Ventures, Goodwater Capital… Jungle Ventures - một VC có trụ sở tại Singapore, đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp fintech tại Việt Nam, bao gồm Medici (start-up tập trung vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm trở nên dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng); Timo (nền tảng ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam) và KiotViet (start-up phát triển phần mềm quản lý bán hàng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây tiên tiến với các giải pháp quản lý hàng tồn kho, quản lý dòng tiền, tiếp thị và quản lý).
KPMG ước tính, các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã tăng lên 1,1 tỷ USD vào năm 2021, từ mức 301 triệu USD vào năm 2020 và 330 triệu USD vào năm 2019.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, cạnh tranh chặt chẽ với Indonesia và Singapore. Việt Nam nên duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nhân công nghệ, trở thành môi trường phát triển mạnh mẽ cho những kỳ lân tiềm năng.