Đại diện Công ty cổ phần Cơ Điện miền Trung đến học hỏi kinh nghiệm tại Doosan Vina (KKT Dung Quất, Quảng Ngãi). |
Hợp tác đào tạo nhân lực
Với mong muốn giúp đỡ Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lĩnh vực cơ khí, chiến lược của Doosan Vina luôn gắn liền với các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước góp phần tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Đồng thời, đáp ứng sự thỏa mãn và hài lòng của khách hàng.
Để thực hiện chiến lược của mình, Doosan Vina đã bắt đầu bằng các chương trình hợp tác với các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam trong ngành nghề kỹ thuật và cơ khí. Công ty đã và đang phối hợp cùng nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, lý thuyết luôn gắn liền với thực tiễn nhằm đem lại kết quả tốt nhất. Bước tiếp theo là chia sẻ kinh nghiệm cho một số công ty cùng lĩnh vực nhằm tạo điều kiện cho họ được học hỏi những cách thức mới cải tiến chất lượng, sản xuất và an toàn.
“Chiến lược kinh doanh của chúng tôi bắt đầu bằng việc đào tạo và phát triển con người, mà cụ thể, các nhân viên của chúng tôi là những người được thừa hưởng đầu tiên, kế đến là cộng đồng. Giờ đây, chúng tôi đang hướng tới các công ty của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, để cùng kề vai sát cánh với họ trong việc phát triển nhiều kỹ năng và hệ thống, điều mà chúng tôi biết sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho họ”, ông Jung Yeon In, Tổng giám đốc Doosan Vina cho biết.
Các doanh nghiệp đầu tiên nằm trong danh sách được Doosan Vina chia sẻ kinh nghiệm vận hành hệ thống quản lý chất lượng hiện đang là các nhà thầu phụ của Doosan Vina, gồm: Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Chiến Thắng, Công ty TNHH Dacotech, và Công ty cổ phần Cơ điện Miền Trung (CEMC).
Chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và lợi ích
Đại diện Công ty cổ phần Cơ Điện miền Trung (CEMC) cho biết, với sự hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ từ Doosan Vina, các công việc liên quan đến công tác ISO, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, công tác kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị, quy trình sản xuất của CEMC... được áp dụng và đem lại hiệu quả, chất lượng cao.
Phía Doosan Vina cũng đánh giá rất cao hệ thống sản xuất cũng như tư tưởng đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu của Ban lãnh đạo CEMC. Bên cạnh đó, Doosan Vina cũng đóng góp những ý kiến thiết thực như cần tăng cường trong công tác giám sát, kiểm tra chất lượng để sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đạt chuẩn chất lượng đảm bảo xuất khẩu.
Tiếp thu những ý kiến quý báu của DSVN, CEMC cam kết quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm đầu ra, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, ngày càng nâng cao uy tín của ngành cơ khí Việt Nam nói chung và thương hiệu của CEMC.
Chương trình gần đây nhất mà Doosan Vina đã chia sẻ cho các đại diện của CEMC, nhân chuyến thăm và học tập hệ thống chất lượng của họ tại Doosan Vina trong tháng 10/2016. Tại đây, các đại diện của CEMC được chia sẻ về các mảng: quản lý vật liệu và sản phẩm tại các nhà máy, sơn, bắn cát, quy trình trình hàn và nhiều hạng mục khác. Và Doosan Vina đang trong quá trình xem xét một số công ty khác, trong đó có Công ty cổ phần Lilama-7, để chia sẻ và làm nhà thầu cho các dự án Doosan Vina thực hiện trong tương lai.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Chiến Thắng, hiện đang chế tạo hạng mục platform cho Doosan Vina, Doosan Vina đã cử đại diện quản lý chất lượng đến cơ sở chế tạo của Chiến Thắng để kiểm soát chất lượng sản phẩm chế tạo, hướng dẫn và hỗ trợ chế tạo theo quy trình như Doosan Vina, đảm bảo chất lượng và quy trình quản lý chất lượng với mục tiêu “Zero lỗi sản phẩm”. Chương trình hướng dẫn và hỗ trợ này sẽ được thực hiện tại cơ sở của Chiến Thắng và sẽ kéo dài trong một năm từ 2016 đến 2017.
Doosan Vina sẽ còn mở rộng nhiều chương trình hơn nữa với hy vọng mang đến hiệu quả tích cực trong đào tạo nhân lực, tiếp cận mục tiêu nâng cao nội địa hóa lĩnh vực cơ khí trong nước và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Doosan Vina đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Trung. Tại buổi ký kết, các bên đã bày tỏ mối quan tâm hợp tác phát triển cũng như thúc đẩy phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới. Đặc biệt trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh và phát triển sản xuất của các doanh nghiệp tại khu vực.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Trung (TAC Đà Nẵng) tổ chức, triển khai thực hiện chính sách và chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực miền Trung (gồm 12 tỉnh thành từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên) đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho DNNVV. Đồng thời, tư vấn, cung cấp, phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp này về công nghệ, kỹ thuật, quản lý sản xuất và các dịch vụ phát triển kinh doanh khác. Bên cạnh đó, tổ chức xúc tiến, giới thiệu các nhà cung ứng mới là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn cho Tập đoàn Doosan Vina.