Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.
Đại biểu Trần Văn Lâm. |
Thưa ông, ngay ngày đầu tiên của đợt họp trực tiếp (ngày 8/11), Quốc hội sẽ đặt lên bàn nghị sự của phiên họp toàn thể dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi năm nay. Trong khi ngân sách vẫn phải dồn cho phòng chống dịch Covid-19, theo ông, đâu sẽ là “điểm tựa” để có thể thực hiện được mục tiêu đó?
Khơi thông được nguồn lực khu vực tư, theo tôi, đó là đột phá then chốt nhất cho cả kế hoạch năm sau và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới.
Hiện nay, đã có chủ trương nguồn lực công dẫn dắt, khơi thông để thu hút các nguồn lực tư. Chủ trương là thế, nhưng thực hiện vẫn bí, không thực sự mạnh mẽ. Chẳng hạn, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời với mong muốn để khơi thông các nguồn lực đầu tư của tư nhân vào cả hạ tầng kinh tế - xã hội, nhưng các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà.
Điều này cho thấy các chính sách đó chưa thực sự hiệu quả, thông thoáng. Muốn khơi thông được các nguồn lực tư, thì sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phối hợp của đầu tư công phải mạnh hơn, cụ thể là sự tham gia của vốn nhà nước trong đó phải nhiều hơn. Đối với các nhà đầu tư tư nhân, quan trọng nhất là vấn đề hiệu quả, là tỷ suất lợi nhuận đầu tư thu về so với những lĩnh vực khác. Nếu tỷ suất lợi nhuận đầu tư ở lĩnh vực khác cao hơn, thì họ sẽ đầu tư vào những lĩnh vực khác.
Vậy chính sách của Nhà nước trong việc dẫn dắt đầu tư tư phải thực sự hấp dẫn, để thu hút được đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế. Một ví dụ đơn giản, theo đánh giá của các chuyên gia, với nguồn lực ngoại tệ của kiều bào hàng năm đổ về trong nước, chỉ có khoảng một nửa vào ngân hàng, sau đó quay trở ra đầu tư cho nền kinh tế. Nửa còn lại nằm trong két sắt của người dân. Làm sao để huy động được thì phải có chính sách thật mạnh mẽ.
Có thể huy động trái phiếu mua bằng ngoại tệ của người dân vì hiện gửi ngân hàng lãi suất 0%, nên người dân không gửi. Nếu bây giờ có thể cho phép người dân mua trái phiếu của Chính phủ hay trái phiếu của doanh nghiệp bằng ngoại tệ, thì nguồn lực ngoại tệ lập tức được huy động. Khi có những chính sách như thế, mới có thể tạo ra được xung lực mới, huy động được các nguồn lực cho nền kinh tế.
Ông có nói đến vai trò hoàn thiện thể chế. Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã rất nỗ lực trong việc sửa đổi, ban hành nhiều đạo luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó có Luật PPP, tạo môi trường thông thoáng hơn cho đầu tư tư nhân. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa huy động được vốn tư nhân mạnh mẽ, như ông vừa nhận xét. Vậy theo ông, vẫn còn khó khăn ở chỗ nào?
Thực ra vẫn là thể chế thôi. Ví dụ, Luật PPP được xây dựng với mong muốn khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân, nhưng trong quá trình xây dựng Luật lại chịu sức ép của vấn đề làm sao khi luật này ra đời phải hạn chế được những tiêu cực từ những dự án PPP trước đó (như những vấn đề tiêu cực kiểm toán khi thực hiện các dự án PPP). Các vấn đề đó trở thành những “rào cản”, khi đặt nặng vấn đề đó một chút thì lập tức những yếu tố để khơi thông nguồn lực chưa được quan tâm đúng mức. Ở đây, việc cân bằng giữa các mục tiêu chưa được hài hoà.
Chính phủ đang đề xuất dùng một luật sửa 10 luật về đầu tư, kinh doanh, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, thì có nhiều vấn đề do thực hiện, chứ không phải do thể chế. Ủy ban Tài chính - Ngân sách mà ông là thành viên đóng vai trò rất quan trọng thẩm tra việc phân bổ nguồn lực thế nào để cân bằng giữa các mục tiêu của cả kế hoạch năm sau và kế hoạch 5 năm. Trong bối cảnh mới, nên cân đối như thế nào giữa nguồn lực công để dẫn dắt nguồn lực tư tham gia. Chẳng hạn, những dự án PPP ở Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn còn khó khăn khi tìm nhà đầu tư tư nhân?
Mục tiêu trong phân bổ các nguồn lực là phải làm sao hiệu quả, nhưng giải quyết được vấn đề cả trước mắt và lâu dài. Thực tế trong bố trí phân bổ ngân sách, chúng ta đang phải lo nhiều hơn cho việc giải quyết các nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt, mà chưa có đủ lực để tính toán dài hơi.
Trước mắt, chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ, như chi phòng chống dịch, chi an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng. Những nhiệm vụ chi đó đã thu hút hết các nguồn lực hiện có rồi, rất bí, nên chưa thể có những tính toán từ ngân sách cho những nhiệm vụ dài hơi. Chỗ này là “cái khó bó cái khôn”.
Tái cơ cấu ngân sách làm sao để huy động được các nguồn lực tư nhân, mong muốn là như vậy. Tuy nhiên ở đây, tôi phải nói rằng, có những vấn đề thuộc về quan điểm, chủ trương đề ra, nhưng thực hiện chưa quyết liệt, chưa triệt để. Chẳng hạn, hàng năm vẫn bố trí mấy trăm ngàn tỷ đồng cho việc thực hiện các dự án đầu tư công, nhưng các cơ quan phụ trách lĩnh vực này chưa tính toán tới việc phối hợp sử dụng nguồn lực này để thu hút nguồn lực tư, vẫn dành toàn bộ nguồn lực đầu tư công vào một số dự án.
Nếu những dự án đó chỉ dùng đầu tư công một phần, còn dành một phần cho đầu tư tư, thì tôi nghĩ, vẫn hoàn toàn có thể thực thi được. Ở đây thuộc về vấn đề tổ chức thực hiện như Chủ tịch Quốc hội nói, tức là chủ trương đưa ra, nhưng triển khai thực thi ở các cấp, các cơ quan chưa quán triệt sâu sắc và hiệu quả.
Vậy ông có ủng hộ việc Quốc hội sẽ họp thêm một kỳ chuyên đề để xem xét một luật sửa 10 luật, tháo gỡ vướng mắc về đầu tư - kinh doanh?
Tôi rất đồng tình. Những gì vướng mắc về cơ chế luật pháp, thì cần được kịp thời tháo gỡ. Nếu dùng một luật sửa nhiều luật để gỡ được vấn đề đó, thì chúng ta nên ủng hộ, không nên cứng nhắc, miễn làm sao thể chế của chúng ta hoàn thiện, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng tưởng và giúp nền kinh tế phục hồi.