Những thách thức mà phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt là gì, thưa bà?
Thách thức với phụ nữ Việt Nam không ít, như các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai dịch bệnh, bình đẳng giới... Đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, như sự dịch chuyển lao động trong các ngành nghề, khu vực, dẫn đến những thay đổi về cơ cấu xã hội, lợi ích trong các tầng lớp dân cư và phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |
Định kiến giới vẫn tồn tại dai dẳng; đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật còn khó khăn; tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình ngày càng phức tạp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận phụ nữ chưa bị đẩy lùi.
Trước những thách thức như vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có biện pháp gì để hoạt động đột phá hơn trong nhiệm kỳ tới?
Chúng tôi rất trăn trở với những thách thức không nhỏ mà chị em phụ nữ đã và đang phải đối mặt, nên tại Đại hội lần này sẽ tập trung các nguồn lực để thực hiện những mục tiêu đột phá. Trước đó, chúng tôi chỉ tập trung phát triển phụ nữ theo 4 phẩm chất đạo đức, thì bây giờ tập trung vào hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, bằng việc đặt ra yêu cầu phụ nữ có trí tuệ, kiến thức, khả năng chủ động, tự tin, bản lĩnh…
Rõ ràng, đây là điều kiện cần và đủ trong thời đại mới. Nếu chị em phụ nữ không thay đổi, thì không thể theo kịp sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập về mọi mặt như hiện nay.
Tại sao vấn đề hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp lại trở thành yếu tố đột phá trong mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ này. Bà có thể cho biết thêm?
Một tín hiệu đáng mừng là, trong khuôn khổ các hoạt động quan trọng tại Đại hội lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại trực tiếp với 100 phụ nữ tiêu biểu. Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ trong một sự kiện trọng đại của phụ nữ cả nước. Trong đó, vấn đề quan tâm đầu tiên của Thủ tướng là khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo.
Hiện nay, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, với quyết tâm tạo ra môi trường khởi nghiệp tốt trên cả nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chúng tôi cũng là một trong những đơn vị đã xây dựng Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (giai đoạn 2017 - 2027) đang trình Chính phủ phê duyệt. Chúng tôi cũng đang đề nghị Thủ tướng hỗ trợ cho một số nguồn vốn dưới góc độ đưa nguồn vốn này vào hoạt động quản lý tài chính vi mô, kết nối chuỗi hợp tác xã cho chị em phụ nữ.
Trước mắt, trong nhiệm kỳ 5 năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm, các cấp hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ đào tạo nghề, phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề cho 75.000 lao động nữ, hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập ít nhất 60 hợp tác xã do phụ nữ quản lý.
Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp ở đây cụ thể là gì, thưa bà?
Đây là một dự án dài hơi, kéo dài 10 năm. Tuy nhiên, chúng tôi chủ yếu hỗ trợ các chị em phần chính sách, giám sát và phản biện xã hội. Về phần vốn cũng có, nhưng chỉ tập trung cho phụ nữ nghèo, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa vay.
Hiện chúng tôi đang kỳ vọng lớn vào Hiệp hội Nữ doanh nhân, nữ trí thức mới thành lập sẽ trở thành nòng cốt hỗ trợ thêm phụ nữ khởi nghiệp về hệ thống chuyên gia các ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức...