Quang cảnh buổi lễ ký kết hợp đồng tín dụng. |
Sáng nay (16/12/2019) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Việc tài trợ hợp vốn của các ngân hàng sẽ tháo gỡ khó khăn liên quan nguồn vốn tín dụng trong cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, từ hơn một năm qua, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có những thay đổi căn bản: chuyển Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, loại bỏ các cổ đông yếu kém, tổng vốn đầu tư tăng lên mức 12.668 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết đạt tối thiểu 3.400 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành…
Đây là những lý do khiến Hợp đồng tín dụng đã ký giữa doanh nghiệp dự án và 4 ngân hàng từ năm 2018 cần được thay thế để phù hợp với tình hình thực tế.
Từ sau khi phương án tài chính mới được ban hành theo Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang, VietinBank đã tiếp tục làm đầu mối, cùng với BIDV, Agribank và VPBank khẩn trương thẩm định lại và hoàn thành báo cáo thẩm định chung từ 18/11/2019, tiến tới đã hoàn tất các khâu còn lại trong tháng 12/2019 theo quy trình cấp tín dụng, phù hợp với năng lực, điều kiện của từng ngân hàng.
Theo đó, tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỷ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, AgriBank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 3/12/2019, dự án đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước rót về. Phần còn lại, nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị tỉnh Tiền Giang có kế hoạch sớm giải ngân cho dự án để thúc đẩy tiến độ. .
Ông Trần Minh Bình - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, trong thời gian qua, các ngân hàng đã hoàn thành Báo cáo thẩm định chung theo tinh thần là vừa phù hợp với các nội dung của dự án đã được phê duyệt lại, đảm bảo cung ứng vốn vay kịp với tiến độ thi công khẩn trương, vừa phù hợp với các quy định, quy trình của NHNN và pháp luật có liên quan”.
“Chúng tôi hi vọng rằng, Dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, đồng thời đề nghị doanh nghiệp dự án tổ chức công trường, chỉ đạo các đơn vị thi công theo đúng phương án thi công đã được duyệt; phối hợp chặt chẽ với 4 ngân hàng cho vay hợp vốn trong quá trình giải ngân theo quy định vào các hạng mục công trình, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Minh Bình cho biết.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, vốn chủ sở hữu đã được các nhà đầu tư góp đủ, phần vốn nhà nước tham gia vào công trình, doanh nghiệp dự án cũng đã nhận được 1.390 tỷ đồng vào đầu tháng 12/2019.
Theo ông Hoàng, từ một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án được giải ngân, doanh nghiệp dự án đã ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào quý II/2021 và điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.
“Trên thực địa, chủ đầu tư đã cùng các nhà thầu và đơn vị liên quan tăng cường, huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị thi công 3 ca để có bước nước rút ngay trong mùa khô này. Tết này, từ chủ tịch đến cán bộ, kỹ sư, người lao động của công ty sẽ đón xuân trên công trường”, ông Hoàng khẳng định và cho biết, lãnh đạo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã treo thưởng 10 tỷ đồng cho các đơn vị thi công nếu như công trình cao tốc trọng điểm này về đích đúng tiến độ.
Ông Hoàng thông tin thêm, để giám sát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng công trình, đảm bảo an toàn, an ninh, chủ đầu tư sẽ cho lắp camera giám sát 24/24h trên toàn công trường dài hơn 50km này. Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, để dự án đảm bảo tiến độ, ngoài nguồn vốn tín dụng giải ngân từ các ngân hàng, phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ còn lại (khoảng 800 tỷ đồng), UBND tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan quản lý vốn để bố trí cho dự án trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, dù nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được cấp về cho dự án, nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chủ động tìm mọi nguồn vốn để duy trì tiến độ thi công.
Tính đến thời điểm này đã có trên 50 cây cầu trên tuyến đã ra hình hài, với 45km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng có sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả, trong khi suốt 10 năm trước đó dự án chỉ vỏn vẹn đạt 10% giá trị hợp đồng.