Vướng về vốn, mặt bằng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tiến triển khá chậm. Ảnh: A.M |
Hồi đáp chưa tới
Các nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khó có thể hài lòng với những hồi đáp của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến các đề xuất giải cứu tuyến cao tốc trị giá 10.000 tỷ đồng khỏi bờ vực phá sản.
Cụ thể, tại Công văn số 1114/BGTVT- ĐTCT gửi Văn phòng Chính phủ và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), Bộ GTVT cho biết, việc nhà đầu tư bổ sung nhân sự cấp cao có kinh nghiệm để điều hành, quản lý dự án trong giai đoạn này là thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư.
Điều đáng nói, đây lại là đề xuất duy nhất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thuận mà không phải chờ xin ý kiến của cấp cao hơn trong số 5 nhóm kiến nghị được Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT tại Văn bản số 21/BOT-TLMT ngày 28/1/2019.
Liên quan đề nghị bổ sung nhà đầu tư khác (là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) thay Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Bộ GTVT cho biết là không thực hiện chuyển nhượng nhà đầu tư ở thời điểm này. Theo lý giải của Bộ GTVT, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP quy định chỉ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác sau khi đã hoàn thành xây dựng công trình, nên Bộ GTVT chưa xem xét, chấp thuận đề xuất chuyển nhượng.
Tuy không trực tiếp từ chối, nhưng có 2 đề xuất khác của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận được Bộ GTVT khẳng định là nằm ngoài tầm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, đối với đề nghị chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT ghi nhận việc thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã tích cực hỗ trợ triển khai Dự án khi bàn giao mặt bằng khoảng 96%.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, chiểu theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, thì việc quyết định giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”. Đó là chưa kể, đề nghị chuyển giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án đường cao tốc Trung Lương của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cần có ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang.
Về đề nghị cập nhật tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án và tính lãi suất vay theo Thông tư số 88/2018/TT-BTC về quản lý tài chính tại dự án PPP, Bộ GTVT cho biết là đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ triển khai thực hiện.
Điều kiện cần và đủ
Khởi động vào tháng 2/2015, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng hoàn thành sau 3 năm thi công (năm 2018). Nhưng suốt gần 4 năm qua, Dự án tiến triển rất chậm, khó có thể hoàn thành công trình vào ngày 31/12/2020. Thậm chí, Dự án đang đứng trước bờ vực đổ vỡ nếu hàng loạt nút thắt cơ chế, năng lực nhà đầu tư không được các cơ quan có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ kịp thời.
Đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vướng mắc nổi cộm nhất tại dự án này hiện nay là phương án tài chính bị phá vỡ và nguồn vốn tín dụng cho Dự án chưa được giải ngân.
Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, ngày 15/6/2018, doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tín dụng vay 6.850 tỷ đồng của 4 ngân hàng (gồm VietinBank Chi nhánh TP.HCM, BIDV Chi nhánh Bình Định, VPBank và Agribank Chi nhánh Sài Gòn) để thực hiện Dự án. Theo quy định của hợp đồng tín dụng, các ngân hàng tài trợ vốn đưa ra 20 điều kiện tiên quyết đối với dự án và phải hoàn thành trước ngày giải ngân vốn. Trong đó, 14 điều kiện thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay cơ bản đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, 6 điều kiện tiên quyết khác phụ thuộc vào thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
“Các vướng mắc trên nằm ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp dự án, nên nguồn tín dụng cho dự án chưa được khơi thông”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, do Công ty TNHH Yên Khánh - một trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư (chiếm 30% vốn điều lệ) đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bên liên quan của Dự án. Các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư Yên Khánh và xác định đây là điều kiện tiên quyết để giải ngân vốn tín dụng.
Hơn nữa, phương án tài chính của dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đang bị phá vỡ. Cụ thể, lãi suất vốn vay trong phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 1700 ngày 15/6/2017 là 7,82%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng 10,8%/năm (thấp hơn 2,98%/năm), do đó không giải ngân được vốn vay tín dụng do chênh lệch lãi suất theo quy định với hợp đồng tín dụng quá lớn.
Bên cạnh đó, nguồn doanh thu thu phí tại Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu đến nay cũng không thể thực hiện được do những quy định ràng buộc của Luật Quản lý tài sản công có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, khiến phương án tài chính của dự án bị phá vỡ.
“Bộ GTVT cần sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng, đồng thời thống nhất với Văn phòng Chính phủ để đăng ký lịch nghe nhà đầu tư báo cáo các giải pháp tháo gỡ, thông qua đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Dự án”, đại diện doanh nghiệp dự án kiến nghị.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, xét đề nghị của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/2/2019.
Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ sớm chuẩn bị buổi họp để lãnh đạo Chính phủ xem xét, xử lý các vướng mắc đối với dự án này.