Gỡ nút thắt liên kết vùng
Sở hữu vị trí chiến lược, án ngữ cửa ngõ không gian liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Long An chưa phát triển xứng tầm và có tính lan tỏa mạnh như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, do hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, cảnh “gần nhà, xa ngõ” đã nhanh lui vào dĩ vãng. Bởi cùng với nhiều dự án giao thông quan trọng được Trung ương đầu tư, tỉnh Long An đã nỗ lực khơi nguồn lực, tăng sức hút đầu tư phát triển giao thông. Những năm gần đây, tỉnh tích cực triển khai chương trình huy động đa dạng nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển công nghiệp. Dù chưa đạt kết quả như kỳ vọng, nhưng chương trình đã từng bước gỡ nút thắt liên kết cho phát triển.
Tuyến đường 830 hiện quá tải, không đáp ứng được nhu cầu giao thương. |
Xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An là các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Cụ thể, ngoài tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, thì dự án Quốc lộ N2 cũng đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa – Mỹ An. Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TP.HCM) hướng tuyến đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười giàu tiềm năng. Hai tuyến quốc lộ còn lại là 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp. Với tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Điểm nhấn của hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn Long An là các tuyến cao tốc. Bên cạnh cao tốc TP.HCM – Trung Lương, còn có 2 tuyến cao tốc khác là Bến Lức – Long Thành (đang được thi công xây dựng) và Bến Lức – Hiệp Phước (đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư). Ngoài các dự án do Trung ương đầu tư, tỉnh Long An cũng dồn sức đầu tư hệ thống hạ tầng tỉnh lộ với mục tiêu liên kết các vùng kinh tế động lực trong tỉnh, như đường Tân Tập – Long Hậu, đường Thủ Thừa – Bình Khánh, đường nối Quốc lộ N1 – Quốc lộ 62 – Kênh 79. Với các dự án có mang tính chất kết nối vùng, Long An cũng thu xếp vốn đầu tư.
Bức tranh giao thông Long An dần được hoàn thiện và đang bước vào thời kỳ hoạt động hiệu quả, đáp ứng một phần nhu cầu trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư. Tuy nhiên, nếu lấy TP.HCM làm hạt nhân trung tâm, có thể nhận thấy, trong khi kết nối các tuyến theo trục dọc được cải thiện rõ nét, thì các tuyến liên kết trục ngang (liên kết ngoại biên) đang còn tình trạng đứt gãy, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng rất lớn đến tính liên hoàn trong lưu thông cấp vùng.
Lời giải cho bài toàn gỡ nút thắt liên kết biên sẽ sớm được tháo gỡ trong tương lai rất gần, bởi những dự án xây dựng các tuyến giao thông đang được triển khai. Cùng với 2 tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bến Lức – Hiệp Phước, Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng ĐT 830 mà tỉnh Long An đang ráo riết triển khai, sẽ gia tăng đáng kể năng lực trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp trọng điểm của Long An tới các cảng biển trong vùng Đông Nam Bộ, đồng thời, tăng lưu lượng hàng hóa giao lưu giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, góp phần “chia lửa” áp lực quá tải cho các tuyến đường cửa ngõ phía Nam trung tâm kinh tế năng động hàng đầu cả nước.
Dự án BOT “đầu tay” mở toang vành đai công nghiệp
Việc lần đầu tiên thu hút một dự án BOT giao thông trọng điểm, với vốn đầu tư lớn cho thấy, nỗ lực rất cao của tỉnh Long An và nhà đầu tư tham gia dự án. Cái khó là dự án này cấp tỉnh lộ, suất đầu tư lớn và đặc biệt cần có phương án hoàn vốn hợp lý, đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội và chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tuyến ĐT 830 là trục giao thông huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội khu vực giáp TP.HCM. Dự án sẽ nối liền khu vực phát triển công nghiệp năng động với Quốc lộ 1A và khu vực Cảng quốc tế Long An theo đường Bến Lức - Tân Tập đang được đầu tư.
Tuyến ĐT 830 yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, bảo đảm phát triển kinh tế. Về lâu dài, tuyến này cần nâng cấp lên đường cấp II nhằm đáp ứng nhu cầu. Việc đầu tư xây dựng ĐT 830 là rất cần thiết và là 1trong 3 công trình trọng điểm của tỉnh Long An. Với chi phí đầu tư khái toán lớn, trong khi cân đối ngân sách địa phương có hạn, đã bố trí hết trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, do đó, tỉnh đã kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với chủ trương tăng cường huy động sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng thông qua cơ chế hợp tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Bamboo Capital Group (BCG), chủ đầu tư dự án, cho biết, nhà đầu tư quyết tâm thực hiện dự án ĐT 830 (Đức Hòa - Bến Lức). Dự án có tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng, đoạn từ cầu An Thạnh đến ngã ba Tám Tàu với chiều dài tuyến theo lý trình hơn 23 km, vận tốc thiết kế 80 km/h, riêng các đoạn qua khu đô thị vận tốc 60 km/h, tải trọng thiết kế trục đơn 12 tấn, loại mặt đường cấp cao A1. Dự án cũng sẽ xây dựng mới 8 cầu. “Chúng tôi đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để có thể khởi công xây dựng dự án trong quý IV/2016, dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành. Phương án tài chính đã được liên doanh thu xếp ổn thỏa. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp giao thông và nguồn tài chính mạnh, chúng tôi sẽ triển khai thuận lợi để dự án sớm đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo tính hiệu quả”, ông Hùng nói.
Ông Phạm Văn Cảnh cho biết thêm, là dự án BOT đầu tay, nên tỉnh Long An đã chuẩn bị các bước thủ tục pháp lý kỹ càng. Tỉnh sẽ có các biện pháp phối hợp với chủ đầu tư để Dự án được triển khai thuận lợi nhất, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Điều kiện thuận lợi nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vì Dự án phải giải tỏa diện tích ít. Bên cạch đó, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự thủ tục, giúp đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An, sở này đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng tại thực địa cho các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất (các huyện Bến Lức và Đức Hòa) trong tháng 8 năm nay. Hoàn thành công tác đo đạc vào cuối tháng 9/2016. UBND tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương giải phóng mặt bằng. Ban quản lý Dự án Công trình giao thông cũng được tỉnh chấp thuận ký hợp đồng với Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường để thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính. Tiếp đó, ký kết với Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất (huyện Bến Lức và Đức Hòa), thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hiện nay, tiến độ giải phóng mặt bằng đảm bảo.
Chia sẻ kỳ vọng về dự án này, ông Mai Trí Hiếu, Giám đốc Công ty Đầu tư và xây dựng Phúc Long, chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Phúc Long nói: “Dự án ĐT 830 hoàn thành sẽ kết nối, thông tuyến được với các tuyến cao tốc, quốc lộ và cảng trọng điểm trong khu vực. Long An sẽ đón làn sóng mới về thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư vào các KCN trong vành đai vệ tinh của TP.HCM. Đây sẽ là khu vực phát triển công nghiệp năng động thúc đẩy kinh tế tỉnh Long An tăng trưởng mạnh trong tương lai gần”.