Mật độ sai lớn
Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 395/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 368+400 (Nghi Sơn, Thanh Hóa ) - Km 402+330 (Cầu Giát, Nghệ An) theo hình thức hợp đồng BOT và Dự án Đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại điểm giao cắt Quốc lộ 48 với Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam theo hình thức hợp đồng BOT.
Hai dự án này đã được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) điều chỉnh thành 1 dự án chung là Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 368+400 (Nghi Sơn) - Km 402+300 (Cầu Giát) tại Quyết định số 250/QĐ - BGTVT ngày 25/1/2017, với tổng mức đầu tư là 3.509,6 tỷ đồng, trong đó, vốn của nhà đầu tư (Liên danh Cienco4 - Tổng công ty 319) là 3.346 tỷ đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ 140,3 tỷ đồng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí tại trạm thu phí Hoàng Mai tại Km 383 + 600 (Quốc lộ 1) trong thời gian dự kiến là 14 năm 9 tháng.
Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát có “mật độ” sai sót khá dày. Ảnh: Anh Minh |
Việc từng có một số hợp phần được thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước và nhiều lần điều chỉnh, bổ sung quy mô là những nguyên nhân khiến Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát có “mật độ” sai sót khá dày.
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Thông báo số 395 liên quan việc lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư; phê duyệt dự án đầu tư điều chỉnh, tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Cụ thể, tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án có cập nhật giá trị vốn đầu tư (đã thanh toán) bằng nguồn ngân sách nhà nước là 140,3 tỷ đồng, nhưng không có hồ sơ kèm theo. Đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (tháng 5/2018), Dự án được chuyển đổi hình thức đầu tư trên 5 năm, nhà đầu tư đã thu phí hoàn vốn được 3 năm, nhưng các chi phí này chưa được đại diện chủ đầu tư, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban Quản lý dự án 1 (nay là Ban Quản lý dự Thăng Long - PMU Thăng Long); PMU 4; PMU 85 cung cấp hồ sơ quyết toán.
Trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT) đã tính trùng chi phí quản lý dự án cho PMU 1, PMU 4, PMU 85 đã thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước làm tăng tổng mức đầu tư hơn 8,7 tỷ đồng. Đây là những lỗi thuộc về PMU Thăng Long trong vai trò là đại diện cơ quan nhà nước tại dự án này.
Ngoài sai sót này, PMU Thăng Long còn bị Kiểm toán Nhà nước “thổi còi” đối với lỗi chậm quyết toán dự án hoàn thành. Theo đó, mặc dù Dự án đã thu phí hơn 3 năm, nhưng đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới trình Bộ GTVT chấp thuận 51% (1.793,75 tỷ đồng/3.509,6 tỷ đồng tổng mức đầu tư điều chỉnh). Thậm chí, toàn bộ chi phí GPMB có giá trị lên tới 1.030 tỷ đồng vì một số lý do vẫn chưa được các hội đồng bồi thường GPMB quyết toán trễ hạn rất sâu so với quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ - CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Quyết toán các dự án BOT đang được Bộ GTVT coi là nhiệm vụ quan trọng số một của giai đoạn hậu thi công, bởi ngoài việc chốt được giá trị đầu tư; hoàn tất toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng, công tác này sẽ giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể công khai với người dân thời gian hoàn vốn, tránh tình trạng lạm dụng sự nhập nhèm để tăng thời gian thu phí như đã từng xảy ra tại một số dự án BOT.
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, “vệt hằn” sai sót lớn tại dự án này còn xuất hiện ở việc chấp hành chế độ quản lý tài chính.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định, doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH 2 thành viên BOT Quốc lộ 1 Cienco4 - Tổng công ty 319) sử dụng doanh thu thu phí từ các năm 2015 - 2017 để thanh toán khối lượng hoàn thành cho các hạng mục bổ sung trị giá 30,5 tỷ đồng; chia lợi nhuận cho nhà đầu tư (57,3 tỷ đồng); để tồn quỹ doanh nghiệp dự án 16,7 tỷ đồng là chưa phù hợp với quy định về sử dụng doanh thu thu phí được quy định tại điểm 50.8, Điều 50, Hợp đồng BOT. Việc sử dụng khoản hoàn thuế GTGT 30,76 tỷ đồng để thanh toán chi phí GPMB; sử dụng nguồn thuế GTGT được khấu trừ 45,1 tỷ đồng để thanh toán các khối lượng hoàn thành là chưa thuân thủ hợp đồng BOT và phương án tài chính (nguồn hoàn thuế và khấu trừ thuế phải được trừ trực tiếp vào giá trị vốn vay gốc để giảm nguồn vốn vay của Dự án).
Tự tung mua sắm
Không chỉ doanh nghiệp dự án mắc lỗi trong việc chấp hành chế độ kế toán, tại dự án này, việc chi sai mục đích còn xuất hiện ở các hội đồng bồi thường GPMB địa phương, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, trong quá trình triển khai Dự án, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) “chơi sang” khi dùng kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để mua ô tô và sửa chữa xe ô tô lên tới 706 triệu đồng. Hội đồng bồi thường GPMB thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) dùng kinh phí được ấn định phục vụ GPMB lên tới 304 triệu đồng để chi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở… Lào.
Tại Hội đồng bồi thường GPMB huyện Tĩnh Gia, theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định nguồn gốc đất của hộ ông Lê Văn Quang và Bùi Vương Hùng phải thay đổi kết quả nhiều lần; chưa cung cấp được sổ kế toán theo dõi và quản lý kinh phí đền bù cho Đoàn kiểm toán trong thời gian kiểm toán. Địa phương này thậm chí đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ - BGTVT ngày 30/7/2013 về việc điều chỉnh nội dung nguồn vốn của Dự án từ vốn bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang nguồn vốn BOT đối với 4 quyết định được duyệt từ năm 2012 với giá trị lên tới 12,1 tỷ đồng bị Kiểm toán Nhà nước xác định là vượt thẩm quyền và chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chính sách, chế độ bồi thường cho những hộ dân có đất được cấp trái thẩm quyền trong hành lang an toàn giao thông giữa các địa phương, các tỉnh trong phạm vi Dự án còn có sự khác biệt lớn. Đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước triển khai, ngoại trừ huyện Tĩnh Gia có thực hiện việc hỗ trợ (bằng 100% giá trị bồi thường) cho các hộ dân có đất trong phạm vi 13,5 m (Quốc lộ 1), trong khi huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) đều chưa hỗ trợ dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Cũng liên quan đến công tác GPMB, doanh nghiệp dự án cũng bị đánh giá là mắc lỗi khi cho các Hội đồng bồi thường GPMB tạm ứng vốn vượt dự toán được duyệt trên 1,78 tỷ đồng (huyện Quỳnh Lưu hơn 1,5 tỷ đồng; Diễn Châu 201 triệu đồng); thanh toán vượt giá trị quyết toán của Bộ GTVT 617,6 triệu đồng. Hiện kinh phí đã hết nhiệm vụ chi, nhưng chưa được các bên liên quan thu hồi.
Căn cứ các sai sót liên quan đến chi phí lãi vay, chi phí xây dựng, chi phí GPMB do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và các sai sót chi phí xây dựng do Bộ GTVT phát hiện (chưa tính giá trị quyết toán chưa được phê duyệt) và các thông số khác vẫn giữ nguyên theo phương án tài chính, Kiểm toán Nhà nước tạm tính thời gian thu phí giảm 5 tháng so với phương án tài chính điều chỉnh. Ngoài ra, nếu tính toán giảm trừ nguồn vốn sở hữu Nhà nước đã thu hồi trước thời hạn và việc doanh nghiệp sử dụng nguồn thu phí để thanh toán khối lượng hoàn thành và trả lãi vay trong thời gian thi công, thì thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án sẽ giảm thêm 10 tháng nữa và chỉ còn 13 năm 6 tháng so với mức 14 năm 9 tháng như phê duyệt ban đầu của Bộ GTVT.
Tại Thông báo số 395, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các bộ phận liên quan cùng với Nhà đầu tư rà soát, xử lý các tồn tại và tính toán điều chỉnh lại phương án tài chính theo đúng quy định của hợp đồng, làm căn cứ ký kết phụ lục hợp đồng tiếp theo. Chỉ đạo các PMU, các hội đồng BTGPMB các huyện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân chậm quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước chi trả kinh phí BTGPMB 140 tỷ đồng được cập nhật vào tổng mức đầu tư Dự án, nhưng không cung cấp được tài liệu.
“Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước khu vực II trước ngày 30/10/2018”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, ông Đoàn Xuân Tiên nêu rõ.