Đầu tư
Dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hóa: Lời từ chối “hạ gục” doanh nghiệp
Bảo Như - 22/09/2019 08:18
Những hy vọng để Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa có thể thu phí hoàn vốn đang tắt dần trong trường hợp nhà đầu tư phải di dời trạm thu phí về vị trí mới.
TIN LIÊN QUAN
.

Gáo nước lạnh

Những thông tin xấu liên tục đổ về Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa (Dự án) do Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa là doanh nghiệp dự án với sự tham gia của Tập đoàn Bitexco trong vai trò là nhà đầu tư chi phối.

Cụ thể, vào cuối tuần trước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định là không thể hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho Dự án bằng nguồn ngân sách địa phương như đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Trong Công văn số 11874/UBND - THKH, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, do nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020) đã được Trung ương phân bổ cho từng dự án cụ thể, trong khi Thanh Hóa vẫn đang là tỉnh nghèo, chưa tự cân đối được ngân sách, nên tỉnh này chưa thể cân đối để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6.

Trước đó, trong nỗ lực tháo gỡ thế bế tắc cho Dự án, vào tháng 7/2019, Bộ GTVT đã gõ cửa UBND tỉnh Thanh Hóa nhờ xoay xở số tiền 250 tỷ đồng mà Nhà nước dự kiến góp vào phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án.

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, vào ngày 19/6/2019, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp xử lý tồn tại, bất cập tại các dự án BOT ngành giao thông vận tải. Kết luận cuộc họp, liên quan đến Trạm thu phí Bỉm Sơn (Km286+397, Quốc lộ 1A) thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo: “Khẩn trương nghiên cứu, triển khai phương án di dời trạm về tuyến tránh theo quy định; không để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự và ùn tắc giao thông trên địa bàn”.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, phương án di dời Trạm thu phí Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa để thu phí hoàn vốn rất khó khả thi do lưu lượng theo hướng Bắc - Nam đã phân lưu tuyến tránh phía Đông và Quốc lộ 1A song hành nên phải hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hoá được triển khai từ tháng 4/2005, hoàn thành đưa vào thu phí từ tháng 1/2009, sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn (trước đây là trạm Tào Xuyên) để thu phí hoàn vốn. Theo hợp đồng BOT được ký bởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của Dự án là 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm.

Trong quá trình thực hiện, vào tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 vào Dự án, cùng sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 9786/VPCP-KTN ngày 8/12/2014.

Với việc điều chỉnh này, tổng mức đầu tư Dự án đã tăng lên 1.836,57 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân là 1.695,55 tỷ đồng; vốn nhà nước là 141,02 tỷ đồng. Sau khi cập nhật lại lưu lượng phương tiện và các chi phí đầu vào, thời gian hoàn vốn của công trình là 10 năm 5 tháng (hạng mục gốc); 13 năm 8 tháng (hạng mục bổ sung) với điều kiện tiên quyết là tiếp tục được sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn.

Theo phê duyệt ban đầu của Bộ GTVT, hạng mục đường vành đai phía Tây (giai đoạn I), đoạn Km0 - Km6 sẽ phải hoàn thành vào ngày 30/6/2017. Tuy nhiên, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành trước ngày 28/2/2018. Hiện nay, hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đã hoàn thành từ đầu tháng 1/2019.

Cùng với việc bị tạm dừng thu phí hoàn vốn (hạng mục gốc) với lý do đàm phán mức lợi nhuận với nhà đầu tư (tháng 8/2017), cho đến thời điểm này, Dự án đã phải “xả trạm” hoàn toàn trong suốt 2 năm qua. Hiện chi phí duy tu, bảo dưỡng và trả lãi vay khi chưa thu phí tại Dự án đã lên hơn 80 tỷ đồng.

Gánh nặng tài chính

Việc thu phí hoàn vốn hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0 - Km6 (tuyến tránh phía Tây) đang là ở thế “giằng co” giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT, có nguy cơ phát sinh trở thành điểm nóng gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Cho đến thời điểm này, cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa thể xác định chính xác vị trí sẽ đặt trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án trong trường hợp việc di dời Trạm thu phí Bỉm Sơn là điều bất khả kháng.

Được biết, trong quá trình triển khai Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung tuyến tránh phía Tây vào Dự án BOT đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa. Trong các văn bản gửi nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền, cả UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GTVT đều thống nhất cho phép Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa được sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn cho tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, việc sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn cách Dự án gần 40 km là không phù hợp, thậm chí có thể sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân địa phương.

Đây là lý do khiến Bộ GTVT cho rằng, không thể tiếp tục sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn cho toàn bộ Dự án này.

Trong Thông báo số 164/TB - BGTVT, thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp về Dự án được phát hành vào cuối tháng 6/2019, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (PMU2), nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa, xác định vị trí phù hợp để di chuyển Trạm thu phí Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, thu phí hoàn vốn cho dự án; trong đó lưu ý tận dụng tối đa vật tư, thiết bị của Trạm thu phí Bỉm Sơn để tiết giảm kinh phí.

Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa để bảo đảm hiệu quả tài chính Dự án. Chính vì vậy, việc UBND tỉnh Thanh Hóa từ chối hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án cũng khiến Bộ GTVT mắc kẹt, nhất là khi bản thân bộ này cũng đang phải “giật gấu vá vai” thiếu hàng chục ngàn tỷ đồng cho các công trình trọng điểm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa vẫn bảo lưu quyết liệt quan điểm, cần thực hiện đúng quy định tại Hợp đồng BOT số 11/HĐ.BOT với điều khoản quan trọng nhất là nhà đầu tư được quyền thu phí phí hoàn vốn tại Trạm thu phí Bỉm Sơn. Vị trí này, theo ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa, cũng là cơ sở để doanh nghiệp thương thảo, ký hợp đồng tín dụng cho Dự án với các ngân hàng.

Có thể chia sẻ phần nào với quan điểm nhất quán của nhà đầu tư, bởi khả năng hoàn vốn cho Dự án trong trường hợp phải di dời trạm thu phí về đặt tại tuyến tránh phía Tây là không có.

Tại Công văn số 6064/TCĐBVN - TC liên quan đến việc xác định vị trí, di chuyển Trạm thu phí Bỉm Sơn vừa gửi tới Bộ GTVT vào đầu tuần này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xác nhận điều này.

Ông Nguyễn Xuân Ảnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, vào tháng 8/2019, cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã thống nhất chạy thử phương án tài chính Dự án trong trường hợp di dời Trạm thu phí Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây trong khoảng từ Km1+500 - Km3 +500.

Kết quả đánh giá của đơn vị tư vấn độc lập là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã cho thấy số phận rất bi đát tại Dự án. Cụ thể, với phương án đặt trạm tại tuyến tránh phía Tây, ngoài việc phát sinh thêm 40 tỷ đồng chi phí di dời, xây dựng trạm thu phí, với cả 3 kịch bản mức thu phí 10.000 đồng, 15.000 đồng, 20.000 đồng/lượt/xe tiêu chuẩn, Dự án đều không thể hoàn vốn. Đặc biệt, nợ phải trả của nhà đầu tư vào năm 2050 có thể vọt lên tới 6.989 tỷ đồng (mức phí 10.000 đồng), trong khi chi phí đầu tư gốc chỉ có 825,6 tỷ đồng.

Với phương án thu phí hoàn vốn Dự án không được kéo dài quá 10 năm, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ vốn gần như toàn bộ tổng chi phí khoảng 850 tỷ đồng trong trường hợp hỗ trợ một lần hoặc khoảng 1.200 tỷ đồng trong trường hợp hỗ trợ hàng năm từ 2019 - 2028.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Đường tránh Thanh Hóa, nếu Bộ GTVT không cho thu phí tại Trạm thu phí Bỉm Sơn như theo hợp đồng BOT đã ký, doanh nghiệp dự án đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, giảm thiểu thiệt hại do việc chưa thu phí gây ra.

Lãnh đạo Công ty cũng cho biết, hơn 2 năm qua, dù bị dừng thu phí, nhưng toàn bộ chi phí hoạt động của doanh nghiệp dự án chưa có bất kỳ hướng dẫn hay hỗ trợ nào từ các cơ quan quản lý.

“Việc dừng thu phí quá lâu, không có nguồn thu, trong khi danh nghiệp vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động, thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, duy trì hệ thống chiếu sáng để đảm bảo an toàn giao thông theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ đang thực sự là một gánh nặng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nam cho biết.

Tin liên quan
Tin khác