Thành phố Hà Nội đang tìm nhà đầu tư mới cho dự án khu tập thể Nam Thành Công |
Trì hoãn vì “khó nhằn”
UBND TP. Hà Nội vừa phát đi thông báo tìm chủ đầu tư cho dự án cải tạo khu tập thể Nam Thành Công với lý do đơn vị được chỉ định chậm trễ triển khai.
Cụ thể, UBND Hà Nội đã chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch đối với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao (Decotech) tại dự án cải tạo khu tập thể Nam Thành Công (quận Đống Đa). Đồng thời, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa tiếp tục kêu gọi, tìm nhà đầu tư khác có nhu cầu tham gia lập ý tưởng quy hoạch, xây dựng lại khu tập thể này và đề xuất với UBND thành phố.
Lý giải về sự chấm dứt này, TP. Hà Nội cho biết đã giao Decotech nộp hồ sơ ý tưởng quy hoạch trước ngày 31/12/2019, nhưng đơn vị này không đáp ứng được yêu cầu về thời hạn.
Được xây dựng từ những năm 1960-1970, khu tập thể Thành Công gồm 67 dãy nhà nhưng hiện nhiều đơn nguyên đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chưa kể, khu tập thể này cũng nằm trong danh sách 42 chung cư cũ phải di dời khẩn cấp do UBND Hà Nội công bố từ năm 2016, tòa nhà G6A thuộc khu này bị đánh giá là 1 trong 2 chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội. Do đó, việc tìm nhà đầu tư cho dự án này là không thể chậm chễ.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đang giao một số nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng một số khu như: Nguyễn Công Trứ, Hào Nam, Quỳnh Mai và Nghĩa Tân. Một số khu vẫn đang tiếp tục báo cáo ý tưởng quy hoạch, trong đó có khu tập thể Thành Công.
Mặc dù đã được đem ra bàn thảo suốt những năm qua, song việc thực hiện cải tạo các khu nhà chung cư cũ tại Hà Nội vẫn rơi vào bế tắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, hài hòa lợi ích các bên liên quan.
Hay năng lực có hạn?
Decotech không phải là cái tên quá xa lạ. Trước khi nhận dự án cải tạo khu tập thể Nam Thành Công, Decotech từng dính “lùm xùm” với một dự án khác tại Hà Nội, đó là dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở và chợ Trung Hòa (Eurowindow Multi Complex) tại địa chỉ 27 phố Trần Duy Hưng.
Báo chí phản ánh trước đó, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh đã thay đổi công năng 2 tầng kỹ thuật (tầng 6 và tầng 27) của toà nhà thành 19 phòng, căn hộ để cho thuê.
Cụ thể, theo giấy phép do Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp năm 2011, toà nhà Eurowindow Multi Complex có có 3 tầng hầm, 28 tầng nổi gồm: 25 tầng văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại..., 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái.
Được biết, sau khi kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính chủ đầu tư về hành vi "tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp". Ngày 28/9/2015, cơ quan thanh tra đã ra quyết định xử phạt hành chính đơn vị này số tiền 40 triệu đồng.
Mặc dù các thông tin về Decotech khá “khiêm tốn” trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có thể nói Decotech có mối liên quan khá mật thiết với Tập đoàn Eurowindow Holding.
Ngoài việc đầu tư và vận hành dự án Eurowindow Multi Complex kể trên, “đại bản doanh” của Decotech hiện đặt tại tầng 11, số 2 Tôn Thất Tùng. Đây là địa chỉ của tòa nhà Eurowindow Office Building và cũng là trụ sở của Tập đoàn Eurowindow Holding.
Theo thông tin từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Decotech có vốn điều lệ kể từ khi thành lập năm 2005 đến nay không đổi là 400 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, cho thuê văn phòng… Qua 9 lần đăng ký thay đổi thông tin, tổng số cổ phần của Decotech hiện ghi nhận hơn 1,7 triệu cổ phần, tương đương hơn 17 tỷ đồng.
Cổ đông sáng lập và nắm giữ số cổ phần nói trên tại Decotech là ông Nguyễn Cảnh Hồng và ông Nguyễn Cảnh Sơn - hai anh em doanh nhân kín tiếng được biết đến ở vai trò là người sáng lập, xây dựng Tập đoàn Eurowindow Holding. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cảnh Hồng cũng từng giữ vai trò Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT của Decotech.
Đối với các dự án cải tạo khu tập thể, chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay, “cuộc chơi” đang được giới bất động sản thạo tin đánh giá là nằm trong tay các “ông lớn” như Vingroup, Sungroup, FLC, T&T, Geleximco…
Rõ ràng, với “bà đỡ” phía sau chính là Eurowindow Holding, Decotech cũng không phải là doanh nghiệp “chân ướt, chân ráo” mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản. Song việc Decotech bị cho dừng cuộc chơi tại dự án cải tạo khu tập thể Nam Thành Công cho thấy, các ông lớn này cũng chưa thể tìm ra lời giải cho “bài toán cũ” về quy hoạch, hài hòa lợi ích.