Đầu tư
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2020 - 2025: Áp dụng nhiều cơ chế đặc thù
Bảo Như - 11/02/2022 10:25
Rất nhiều cơ chế đặc thù sẽ sớm được ban hành nhằm đưa Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Ảnh minh họa

Các điều kiện cần

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngày 28/1/2022 - ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 1014/BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông (gọi tắt là Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông) giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến thảo luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27/1.

Dự thảo Nghị quyết này bao gồm các cơ chế, chính sách nhằm triển khai Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, 2 nội dung được Bộ GTVT giải trình, làm rõ và kiến nghị Thủ tướng xem xét thông qua liên quan đến thẩm quyền quyết định chỉ định thầu và cơ chế khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông.

Trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 “xuyên Tết, xuyên Việt”, vấn đề đảm bảo nguồn cung vật liệu cho các dự án đường cao tốc được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm.

“Thực tế cho thấy, nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ”, Thủ tướng đánh giá.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần làm rõ việc quản lý, cấp phép và khai thác các mỏ đất đá làm nguyên vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị, tất cả gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư sẽ do Bộ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND các tỉnh quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023.

Các gói thầu xây lắp các dự án thành phần thuộc Dự án sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo quan điểm của Bộ GTVT, các dự án thành phần thuộc Dự án đều có quy mô lớn, tổng mức đầu tư 8.000 - 20.000 tỷ đồng/dự án, là các công trình trọng điểm quốc gia, có yêu cầu kỹ thuật cao, tiến độ thi công gấp, cần sớm khởi công, hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng để đảm bảo mục tiêu Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

“Chính vì vậy, việc lựa chọn được nhà thầu mạnh để chỉ định thầu thi công mang tính quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình và thành công của Dự án”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải thích.

Về cơ chế khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông, Bộ GTVT cho rằng, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các mỏ đất đủ tiêu chuẩn để đắp nền đường rất hạn chế, nên chủ yếu sử dụng vật liệu cát để đắp nền đường. Trong thời gian tới, khi đồng loạt triển khai các dự án đường bộ cao tốc, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường sẽ rất lớn. Vì vậy, việc cho phép nâng công suất khai thác cát, sỏi lòng sông tại các mỏ đang khai thác là rất cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung cho các dự án.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để hạn chế hiện tượng sạt, lở lòng, bờ sông trong quá trình khai thác, Bộ GTVT kiến nghị cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác không quá 50% ghi trong giấy phép  (thay vì nâng công suất theo nhu cầu Dự án) và chỉ nhằm mục đích phục vụ Dự án.

Giải bài toán nguồn cung vật liệu

Để tránh tình trạng lợi dụng việc nâng công suất các mỏ vật liệu để bán ra bên ngoài với giá cao, thu lợi bất chính, trong Dự thảo Nghị quyết, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo UBND cấp tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công Dự án.

“Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công Dự án. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ GTVT đề xuất.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần; chủ trì, phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án.

Dự thảo Nghị quyết tạm chốt mốc thời gian cho việc tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6/2022; thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31/12/2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.

Tin liên quan
Tin khác