Đầu tư
Dự án Dầu Giây - Phan Thiết: Lấn bấn mức phí
Anh Minh - 16/01/2014 11:12
Cách thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu lần I “vài bước chân”, nhưng Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP vẫn chưa thể chốt được hàng loạt tham số đầu vào quan trọng.

Đến thời điểm này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới có thể chính thức thống nhất được mức phí cho Dự án PPP đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 98,7 km.

Phối cảnh Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Theo văn bản số 217/BGTVT - ĐTCT vừa được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, mức phí để nhà đầu tư thu phí hoàn vốn cho công trình có tổng mức đầu tư lên tới 757 triệu USD là 7,5 cent/xe tiêu chuẩn/km tương đương 1.575 đồng/xe tiêu chuẩn/km (chưa bao gồm VAT).

Bộ GTVT cho rằng, mức phí này đảm bảo tính khả thi của Dự án cũng như phần đóng góp của Nhà nước (VGF) ở mức thấp nhất.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý Dự án, mức phí này ở mức trung bình, bởi hiện đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang áp dụng mức phí 2.000 đồng/xe tiêu chuẩn/km.

Cần phải nói thêm rằng, mức phí vẫn chưa phải là nút thắt duy nhất cần được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ sớm cho Dự án. Cụ thể, theo Bộ GTVT, hiện Thông tư số 139/2013/TT - BTC ngày 14/11/2013 về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính ban hành chỉ áp dụng cho các loại đường thông thường, thu phí hở mà chưa quy định mức phí cho đường cao tốc với hình thức thu phí kín.

Chính vì vậy, việc áp dụng quy định cho phép điều chỉnh mức phí căn cứ theo hình tình thực tế tại Thông tư số 139 là không phù hợp tại Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Trong khi đó, đây là Dự án đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, nên mức phí và lộ trình tăng phí là một trong những thông số tài chính đầu vào quan trọng cần phải công bố làm cơ sở tính toán giúp nhà đầu tư xác định giá bỏ thầu (phần VGF cần thiết). Đồng thời, do tiến hành nhượng quyền trong 30 năm, nhà đầu tư cũng cần xây dựng một phương án doanh thu cụ thể để cân đối mức hoàn vốn Dự án, nên không thể áp dụng một mức phí cố định trong thời gian dài, nhất là trong điều kiện kinh tế có biến động về giá cả.

“Nếu Dự án chỉ có 1 mức thu không thay đổi 7,5 UScent/xe tiêu chuẩn/km, thì nhà đầu tư không thể hoàn vốn, do vậy, cần một mức tăng phí phù hợp. Nói một cách khác, Dự án sẽ mất tính khả thi trong trường hợp mức tăng giá thấp hơn mức lạm phát”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Theo đề nghị của Bộ GTVT, cùng với việc cho phép điều chỉnh tăng phí theo lộ trình trên cơ sở chỉ số CPI hàng năm, Chính phủ cũng nên để các nhà đầu tư được tự chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh thu phí từng giai đoạn theo hướng thu rất thấp trong giai đoạn đầu để hút xe sau đó tăng dần trong khung phí đã chốt từng giai đoạn.

Cần phải nói thêm rằng, do tuyến cao tốc chạy song song với Quốc lộ 1, nên các phương tiện tham gia giao thông có toàn quyền lựa chọn tuyến đường thích hợp với nhu cầu và khả năng chi trả (chạy trên Quốc lộ có mức thu phí thấp, tốc độ khai thác chậm, hay chạy trên cao tốc với tốc độ 100-120 km/giờ có thu phí cao, nhưng lại rút ngắn thời gian và hiệu quả khai thác).

Liên quan tới việc bảo lãnh khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD), theo quy định về cho vay lại nguồn vốn nước ngoài, Bộ Tài chính đã chọn phương án nhà đầu tư thứ nhất Bitexco chiếm 60% vốn cổ phần của doanh nghiệp dự án sẽ đóng vai trò là công ty mẹ. Như vậy, Bitexco sẽ bảo lãnh đảm bảo khả năng trả nợ của cả doanh nghiệp Dự án.

Tuy nhiên, do nhà đầu tư thứ hai được lựa chọn qua đấu thầu quốc tế, hoàn toàn độc lập với Bitexco, nên việc buộc Bitexco chịu toàn bộ rủi ro là không hợp lý. Quan điểm này cũng không nhận được sự đồng thuận của cả nhà tài trợ và nhà đầu tư thứ nhất.

“Để phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ GTVT đề xuất cho phép dự án PPP thí điểm này được miễn bảo lãnh công ty mẹ, miễn bảo lãnh cho doanh nghiệp dự án”, ông Đông nói.

Được biết, do công tác sơ tuyển sẽ kết thúc trong tháng 1/2014, nên Bộ GTVT và WB đã đề nghị Chính phủ giải quyết các vấn đề này nhanh nhất có thể, để đảm bảo theo thông lệ quốc tế và làm cơ sở phát hành hồ sơ mời thầu lần thứ nhất (tháng 3/2014). Đây là yếu cần thiết để đáp ứng tiến độ của Dự án.

Tin liên quan
Tin khác