Đầu tư
Roadshow quốc tế dự án PPP giao thông đầu tiên
Anh Minh - 03/07/2013 06:34
Kế hoạch giới thiệu (roadshow) Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, công trình PPP giao thông đầu tiên trong lĩnh vực đường cao tốc tới các nhà đầu tư quốc tế, sẽ bắt đầu từ giữa tháng 7 này.
TIN LIÊN QUAN

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, Mumbai (Ấn Độ), Singapore, Seoul (Hàn Quốc) sẽ là ba thị trường mà Bộ Giao thông - Vận tải chọn để giới thiệu Dự án tới các nhà đầu tư quốc tế.

Mô hình Dự án PPP Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Đây là hoạt động quan trọng nằm trong kế hoạch tuyển chọn nhà đầu tư thứ hai cho Dự án PPP Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (DPEP) - công trình đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong và ngoài nước, bởi tính chất khai mở cho hình thức đầu tư còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Cùng với hoạt động tổ chức roadshow, hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thứ hai thực hiện Dự án cũng đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt vào cuối tuần trước.

“Chúng tôi sẽ bắt đầu bán hồ sơ cho tất cả nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước kể từ ngày 2/7 đến hết 29/11/2013”, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 1, đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao quản lý công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện Dự án cho biết.

Được biết, hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư thứ hai thực hiện Dự án DPEP được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt và phát hành bằng hai thứ tiếng tiếng Anh và tiếng Việt với 4 phần chính (Phần 1: Hồ sơ mời sơ tuyển; Phần 2: Thông tin Dự án; Phần 3: Cơ chế thực hiện dự án; và Phần 4: Giới thiệu sơ lược về nhà đầu tư Bitexco).

Cần phải nói thêm rằng, trong số gần 10 đầu công trình hạ tầng đã được xác định sẽ đầu tư theo hình thức PPP, DPED là dự án duy nhất cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như việc thu xếp nguồn vốn.

Với điểm đầu là nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (km43+125) thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, kết thúc tại điểm giao với Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách Quốc lộ 1 khoảng 2,58 km), tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến 101,28 km, trong đó phần cao tốc chính tuyến dài 98,7 km, phần tuyến kết nối dài 2,58 km. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho toàn bộ khu vực đầu tàu kinh tế phía Nam.

Hiện việc định lượng chính xác khoản bù đắp thiếu hụt tài chính để đảm bảo tính khả thi của công trình (VGF) được coi là rào cản cuối cùng để khởi động quá trình lựa chọn nhà đầu tư thứ hai.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, do Ngân hàng Thế giới (WB) không thể cung cấp các khoản vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) trực tiếp cho một công ty tư nhân, nên cơ cấu nguồn vốn cho Dự án sẽ có sự thay đổi đáng kể so với phương án được Chính phủ thông qua.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải mới đây đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án không vay IBRD từ WB cho nhà đầu tư thứ nhất dưới hình thức Chính phủ cấp bảo lãnh.

Như vậy, với giá phí cơ sở 5 UScents (tương đương 1.000 đồng)/phương tiện chuẩn quy đổi/km - mức phí được tư vấn WB cho là hợp lý, nếu Việt Nam không vay IBRD, tổng chi phí đầu tư Dự án (bao gồm cả lãi vay, chi phí vận hành) là 1,076 tỷ USD. Trong số này, phần vốn VGF dự kiến chỉ vay vốn từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA (WB) là 429 triệu USD, bằng 40% tổng chi phí đầu tư dự án.

Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng (khoảng 107 triệu USD), phần tham gia của Nhà nước tại Dự án sẽ chiếm 45% tổng chi phí Dự án.

Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã từng đề xuất cơ cấu nguồn vốn đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) DPED như sau: vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước (10,6%); vốn vay thương mại từ các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu (khoảng 11%), vốn VGF (29,4%); vốn vay IBRD (49%).

“Nếu giải quyết xong vướng mắc này Dự án sẽ sớm được khởi công vào đầu năm 2014”, nguồn tin từ Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Tin liên quan
Tin khác