Công trường thi công dự án Nhà máy điện gió Ea Nam do Trungnam Group làm chủ đầu tư |
Công nhân tuân thủ biện pháp phòng dịch
Những ngày này, công trường dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam (tỉnh Đắk Lắk) với công suất 400 MW và Trạm biến áp 500 KV - 450 MVA đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500 KV Pleiku - Di Linh nhộn nhịp xe ra vào, trang thiết bị được vận chuyển ngày đêm đến chân từng cột gió.
Thi công trong điều kiện dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, chủ đầu tư điện gió Ea Nam luôn coi việc vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu.
Từ tháng 3 đến nay, anh Dương Quang Hiếu (sinh năm 1970, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn chưa về thăm nhà. Với vị trí thủ kho, công việc của anh gần như là không thể thay thế.
“Tôi làm việc ở dự án này từ khi khởi công đến nay. Từ tháng 12 âm lịch tôi đã ở đây rồi và ở đến qua Tết. Đến tháng 3 tôi mới về thăm nhà một lần và ở lại dự án từ đó đến nay vì tôi làm thủ kho nên rất khó để về”, anh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu tâm sự: Cả dự án chỉ có 1 thủ kho nên luôn luôn phải túc trực ở dự án. Khi nào về thì phải nhờ người trông để về 2 ngày thôi là lại quay vào công trường làm việc. Công việc nào cũng có áp lực riêng và mình đã chọn làm công việc này thì phải chấp nhận. Lúc nào cũng liền chân liền tay để nhận và xuất trang thiết bị.
Tất cả các công nhân, kỹ sư làm việc tại dự án đều tuân thủ những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt |
Trong bối cảnh dịch bệnh này, anh Hiếu cho biết phải tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng chống dịch của địa phương và của công ty.
“Mấy đứa con tôi làm bên ngành y họ gọi điện nhắc nhở thường xuyên. Nghe chỗ nào có dịch là các con tôi bảo không được ra ngoài quán xá, không tới các chỗ đông người cần gì thì điện cho các con để ship tới. Cho nên tôi chỉ đi từ kho của Trung Nam rồi về nhà và ngược lại”, anh Hiếu nói và cho biết dịch bệnh bao vây khắp nơi nên không biết khi nào mới có thể về thăm nhà.
“Mình phải bảo vệ cho mình và cả cho mọi người chứ”, anh Hiếu chia sẻ.
Không phải chỉ anh Hiếu, tất cả các công nhân, kỹ sư làm việc tại dự án đều phải tuân thủ những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nếu ai tự ý đi ra ngoài cũng sẽ bị nhắc nhở và phạt vào lương.
Anh Bùi Như Tài Tài (1991, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) là công nhân đổ bê tông ở dự án điện gió Ea Nam từ những ngày đầu. Dịch bệnh cũng khiến từ Tết đến nay Tài chưa về lần nào.
“Công ty cũng đã đăng ký tiêm chủng cho công nhân. Khi đi làm phải đeo khẩu trang y tế, vào văn phòng phải phun xịt khử khuẩn. Đi làm không được tập trung đông người, chỉ dưới 10 người”, Tài kể về các biện pháp phòng dịch, “Việc cà phê, đi quán xá bên ngoài rất hạn chế. Nếu có việc khẩn cấp cần đi thì phải báo cáo với lãnh đạo, lãnh đạo đồng ý thì mới được đi”.
“Việc này không có gì bất tiện cả bởi vì phòng chống dịch bệnh là phải tuân thủ, để cho nhanh hết dịch còn về quê”, Tài tâm sự.
Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, công suất đến 400 MW, bao gồm 84 trụ gió |
Phòng chống dịch bệnh là yêu cầu tiên quyết để dự án về đích
Hiện nay, trên công trường có gần 1.000 cán bộ, công nhân viên. Diện tích thi công khoảng 200 ha, nằm rải rác trên phạm vi 6.000 ha cho nên không tập trung số lượng lớn người lao động tại một vị trí.
Anh Duy Hưng, Phó Giám đốc dự án cho hay: “Chúng tôi phổ biến các quy định của nhà nước về phòng chống Covid-19 với toàn bộ cán bộ công nhân viên cũng như các công ty đối tác, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Dự án cũng có những quy định bổ sung thêm như chia ca chia kíp, đảm bảo khoảng cách khi làm việc ở công trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các cơ chế khuyến khích động viên anh em để họ yên tâm làm việc, hạn chế về phép trong lúc này, tránh lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến dự án. Ngoài ra, Tập đoàn cũng lấy danh sách công nhân viên trên công trường để nếu có đợt tiêm chủng rộng rãi thì sẽ đăng ký tiêm vắc-xin cho anh em”.
Việc test Covid được thực hiện thường xuyên tại công trường |
Đại diện Trungnam Group cho biết: “Giống như nhiều dự án khác đang được Trung Nam triển khai, chúng tôi thực hiện đo thân nhiệt và theo dõi hàng ngày cho cán bộ nhân viên, người lao động. Tại các chốt cửa ra vào dự án, bảo vệ trực đo thân nhiệt. Đồng thời, phát khẩu trang, nước rửa tay gel cho người lao động. Thực hiện đo, và kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, thực hiện phun khử trùng toàn bộ khu điều hành dự án. Các cuộc họp trực tiếp được bố trí không quá 15 người và ngồi cách xa nhau đảm bảo quy định. Chuẩn bị nước muối loãng thêm gừng cho cán bộ nhân viên thực hiện súc họng 2 lần/ngày; Test Covid cho toàn bộ cán bộ nhân viên".
Nhờ việc phòng dịch nghiêm ngặt nên tiến độ dự án được đảm bảo theo kế hoạch |
“Chúng tôi nghiêm cấm cán bộ nhân viên tụ tập ở các quán cafe, quán nhậu trên địa bàn trong thời gian dịch bệnh”, đại diện chủ đầu tư cho hay.
Trạm biến áp 500 KV - 450 MVA và đường dây đấu nối chuyển tiếp lên đường dây 500 KV Pleiku - Di Linh cũng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành |
Hơn ai hết, chủ đầu tư điện gió này hiểu được rằng chỉ có đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh thì dự án mới đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu đó là kịp công nhận vận hành thương mại (COD) trước tháng 11/2021 – một yếu tố mang tính quyết định đến thành bại của dự án.
Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ bổ sung khoảng 1.173,6 GWh/năm vào nguồn điện quốc gia; ước tính trong thời gian thực hiện dự án nhà đầu tư sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách của địa phương; dự kiến nộp thuế giá trị gia tăng khoảng 250 tỷ đồng/năm.