Đầu tư
Dự án Điện khí LNG Hải Lăng: Nhà đầu tư lo bị lùi tiến độ
Thanh Hương - 02/03/2022 08:08
Việc tiến độ đưa vào huy động Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I có thể bị lùi sang sau năm 2036 như Dự thảo Quy hoạch điện VIII khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Phối cảnh Dự án Điện khí LNG Hải Lăng.

Muốn được thực hiện như kế hoạch ban đầu

Các công ty Hàn Quốc đã bày tỏ sự lo ngại trước khả năng Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I có thể được quy hoạch lại để đi vào vận hành chậm hơn so với các dự kiến trước đây. Đây là một trong các kiến nghị được Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đưa ra mới đây tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Trước đó, Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) ngày 4/2/2021, tại Văn bản số 154/TTg-CN. Ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T - Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).

Tuy nhiên, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 8/10/2021, Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I không được cập nhật tiến độ vận hành vào năm 2026 - 2027, mà đưa vào vận hành trong giai đoạn 2036 - 2040, còn giai đoạn II của Dự án sẽ vận hành vào giai đoạn 2041 - 2045.

“Do vậy, các nhà đầu tư cũng như chính quyền tỉnh đang đối mặt với vấn đề khá nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện để Dự án có thể được thực hiện như kế hoạch ban đầu”, kiến nghị của KorCham nêu rõ.

Các nhà đầu tư cho hay, họ hiểu rằng, Dự án Điện khí LNG Hải Lăng nằm ở vị trí khá xa so với khu vực có nhu cầu điện ở phía Bắc hoặc phía Nam, nên Bộ Công thương lo ngại về chi phí truyền tải điện. Tuy nhiên, giai đoạn I của Dự án (1.500 MW) có những điểm rất phù hợp với lợi ích phát triển của Việt Nam, như không yêu cầu mở rộng đường dây 500 kV hiện có, có vị trí tối ưu để đưa mô hình sản xuất LNG vào, hay năng lực của nhà đầu tư và mức độ đóng góp cao của doanh nghiệp vào sự phát triển cân bằng của quốc gia.

Cụ thể, theo Đề án Tiền khả thi do Viện Năng lượng thực hiện, Dự án Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I có thể hoạt động bình thường mà không cần mở rộng mạng lưới truyền tải điện hiện có. Nhìn chung, tổn thất trong quá trình truyền tải điện trên lưới điện 500 kV không đáng kể, tỷ lệ tổn thất khoảng 0,1% tính từ tỉnh Quảng Trị trở ra khu vực phía Bắc. Đây là mức tổn thất hợp lý, hoàn toàn có thể bù đắp bởi việc đưa vào hệ thống LNG có tính kinh tế và mức độ cạnh tranh tốt do điều kiện ưu việt về địa lý.

Ở câu chuyện vị trí tối ưu để đưa vào phát triển LNG, các nhà đầu tư cho hay, xét về phương diện trang thiết bị cảng biển và chi phí vận hành các tàu chở LNG cần thiết cho việc thực hiện phát triển dự án LNG, khu vực đất dành cho Dự án có tính kinh tế và ổn định vì đảm bảo mực nước sâu cần thiết cho việc cập cảng của tàu chở LNG và là vị trí khá hiếm ở Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, ở miền Nam hay miền Bắc Việt Nam, độ sâu mực nước của hầu hết các khu vực ven biển thấp, nên cần phải tiến hành nạo vét quy mô lớn hoặc thành lập các bến LNG nổi (FSRU), xây dựng các đường ống dài ngầm dưới biển thì tàu chở LNG mới có thể tiếp cận.

Để bảo vệ cho Dự án được theo tiến độ như khi được chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng nhắc tới sự đóng góp của Dự án vào công cuộc phát triển cân bằng các tỉnh, thành phố ở miền Trung và tạo sức sống cho các khu liên hợp công nghiệp mới trong nội địa (Khu kinh tế Đông Nam thuộc tỉnh Quảng Trị và Khu Chân Mây - Lăng Cô của TP. Huế).

Cùng với đó, dù sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, nhưng sản xuất điện từ khí LNG là giải pháp cầu nối tối ưu giúp đạt được mục tiêu phát thải thuần bằng 0 (Net Zero) với phụ tải cơ bản ổn định trong quá trình tiến tới thay thế nguồn phát điện than.

Dự án khó khả thi nếu lùi sau năm 2036

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng lưu ý, nếu Quy hoạch điện VIII công bố kế hoạch vận hành Dự án Điện khí LNG Hải Lăng lùi lại sau năm 2036, thì việc phát triển Dự án có thể trở thành bất khả thi trên thực tế, như sẽ gặp khó khăn trong phối hợp với các công ty tài chính, xây dựng và thiết bị vốn đang có ý định tham gia Dự án.

Có quy mô vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD), Dự án Điện khí LNG Hải Lăng sẽ sử dụng hơn 120 ha đất đã tiến hành khởi công hợp phần kỹ thuật vào ngày 15/1/2022. Theo kế hoạch, khi đi vào vận hành, Dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ở thời điểm hiện tại, Dự án điện khí LNG Hải Lăng vẫn chưa tiến hành các hoạt động đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đáng nói là, đây cũng là một khâu rất tốn thời gian mà trường hợp dự án này là một ví dụ khi đã bắt đầu từ tháng 8/2020 nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp để gỡ tắc.

Nhìn nhận thực tế trên, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia chuyên đàm phán PPA của EVN cho hay, các nút gỡ để giúp PPA được đàm phán thông suốt là luật áp dụng, tỷ lệ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, hay các quy định theo hợp đồng mẫu tại Thông tư 57/TT-BCT.

“Các dự án điện khí LNG có vốn nước ngoài tham gia gần đây đều được chấp thuận với hình thức đầu tư của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Vì vậy, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với các thách thức như trên. Nhưng việc trông chờ doanh nghiệp trong nước làm các dự án điện lớn hiện không dễ dàng. Do đó, nếu cần các nhà đầu tư nước ngoài vào cùng làm dự án điện lớn, thì các bộ, ngành phải chung tay tháo gỡ khó khăn. Nếu không, dự án sẽ có quá nhiều điểm nghẽn không dễ giải”, vị chuyên gia này nói.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc rất tự tin về năng lực của mình để tiến hành Dự án Điện khí LNG Hải Lăng một cách kịp thời và đạt hiệu quả kinh tế. “KOGAS có năng lực cung cấp LNG một cách hiệu quả về kinh tế nhất cho Việt Nam nhờ có sức mua LNG tương đương 9% tổng quy mô giao dịch LNG toàn cầu (35 triệu tấn/năm). Còn KOSPO có số lượng nhà máy điện LNG lớn nhất tại Hàn Quốc, nên có năng lực sản xuất điện LNG, năng lực về công nghệ vận hành liên quan và năng lực đàm phán thiết bị chính xuất sắc”, KorCham nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác