Trước thực tế không thể dịch chuyển hoàn toàn và ngay lập tức từ điện than sang điện sạch với các dạng năng lượng gió, mặt trời, hydrogen, các dự án điện khí LNG đang được xem là bước chuyển phù hợp, góp phần giảm mạnh phát thải so với điện than, đảm bảo chạy nền, ổn định hệ thống, nhưng việc thúc đẩy các dự án trên thực tế lại không dễ dàng.
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai Dự án này tại Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam mới đây, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) đã dẫn chứng nhiều ví dụ cụ thể.
Đại diện lãnh đạo PV Power và Liên danh nhà thầu Samsung C&T - LILAMA ký kết hợp đồng EPC Dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4 ngày 14/3/2022 |
Theo đó, hiện cơ quan chức năng chưa ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy điện khí LNG. Đặc biệt, quá trình đàm phám hợp đồng mua bán điện (PPA) kéo dài và vướng mắc. Cụ thể, Dự án Nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3&4 đến thời điểm hiện nay dù đã đàm phán PPA hơn 2 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện để ký kết.
Vướng mắc chính có thể kể tới là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bao tiêu sản lượng khí hàng năm. Hiện Chính phủ đã có có ý kiến “đây là thỏa thuận sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ Công Thương có ý kiến “đơn vị cần báo cáo cấp cao hơn”, còn EVN thì cho biết “không đủ thẩm quyền để quyết định”, nên nhà đầu tư chưa biết thực hiện thế nào.
Theo vị này, việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.
Ngoài ra một số quy định cũng chưa phù hợp trên thực tế như thời điểm xác định khối lượng LNG năm tới trên thị trường quốc tế được xác định vào tháng 8 của năm nay. Trong khi theo quy định, sản lượng điện phát năm sau được xác định vào tháng 12 của năm nay. Điều này khiến việc đàm phán mua LNG gặp khó khăn vì không biết sẽ chốt lượng ra sao.
Đại diện PV Power cũng cho hay, theo các quy định và cơ chế vận hành thị trường điện hiện nay, các dự án điện LNG chưa có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện. Sản lượng điện mua hàng năm Qc cho nhà máy điện khí LNG chưa có quy định nên không thống nhất được với bên mua điện EVN. Trong khi đó, tại Báo cáo khả thi (FS), nhà đầu tư căn cứ quy định tạm xác định số giờ vận hành phát điện là 6.000 giờ/năm và số năm vận hành là 25 năm để tính toán hiệu quả dự án. Do vậy, kết quả vận hành sau này có thể không đạt được như dự kiến trong FS.
Công tác thu xếp vốn cho dự án cũng gặp thách thức không nhỏ bởi đây là dự án điện độc lập nên phải tự thu xếp vốn mà không có bảo lãnh của Chính phủ như trước đây. Vì vậy, việc thu xếp vốn khó khăn hơn, chi phí vay cao hơn. Chưa kể việc thu xếp vốn phụ thuộc vào PPA nhưng công tác đàm phán PPA lại kéo dài, chưa biết lúc nào kết thúc.
Cạnh đó, các tổ chức tài chính khi cho vay cũng yêu cầu dự án phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường khắt khe hơn theo chuẩn Quốc tế.
Bên cạnh đó, dù triển khai trong khu công nghiệp nhưng việc giải phóng mặt bằng cũng vẫn bị vướng và chậm. một số quy định pháp lý trong quá trình thực hiện tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó trên thực tế.
Cụ thể, theo quy định dự án cần trình Cấp có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật (sau bước thiết kế cơ sở) nhưng để đủ điều kiện thẩm định thiết kế kỹ thuật thì dự án phải được thẩm duyệt Thiết kế phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, theo quy định thì để thẩm quyệt được báo cáo phòng cháy chứa cháy thì hồ sơ thiết kế phải tương đương với giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công (tức là bước sau của thiết kế kỹ thuật) dẫn tới việc trình duyệt thẩm định thiết kế kỹ thuật bị kéo dài.
Một nỗ lo khác nữa là dự án nguồn điện bị phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng đường dây truyền tải của ngành điện. Có những dự án truyền tải phải xin phê duyệt chu trương đầu tư do đi qua hai tỉnh nên nguy cơ chậm tiến độ là rất cao. Trong lúc đó, nếu tiến độ đưa đường dậy truyền tải vào vận hành chậm so với kế hoạch, thì dự án điện sẽ bị chậm tiến độ hoàn thành, phát sinh nhiều yếu tố rủi ro như chủ đầu tư bị nhà thầu EPC phạt ngược do chậm tiến độ đấu nối; phát sinh chi phí lãi vay, bảo hiểm, tư vấn do kéo dài thời gian xây dựng; nhà máy không giải tỏa được hết công suất phát; không đảm bảo tiến độ cung ứng điện cho hệ thống…
Bởi vậy, đại diện PV Power cũng đề nghị, Chính phủ Sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII làm cơ sở triển khai các dự án điện khí LNG, sớm ban hành khung giá phát điện cho các dự án này; có cơ chế, chính sách cho phép các dự án điện khí LNG được phép chuyển ngang chi phí giá khí sang giá điện, cam kết sản lượng điện phát hàng năm (Qc) dài hạn phù hợp để đảm bảo công tác thu xếp vốn.
Đồng thời có cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư các dự án điện LNG phục vụ việc vận hành ổn định lưới điện; sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG hay xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư.