Đầu tư
Dự án điện vẫn chờ Kế hoạch thực hiện Quy hoạch
Thanh Hương - 08/02/2024 18:29
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt không chỉ khiến nhiều người lo ngại về việc đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn có thể gây ra khó khăn cho các dự án điện.

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện theo 2 giai đoạn

Bộ Công thương cho hay, đến nay, vẫn còn 17/63 địa phương chưa gửi văn bản tới Bộ theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, nên Bộ chưa thể tổng hợp danh sách dự án phát triển trong giai đoạn 2021-2030.

Đáng chú ý, nhiều dự án nguồn điện được 46 địa phương khác đề xuất mới, dù được Bộ Công thương phân vào loại 1, nhưng địa phương lại chưa gửi hồ sơ, chưa được Bộ thẩm định, đánh giá, thẩm định các vấn đề kỹ thuật trước khi Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt (ngày 15/5/2023).

Vì vậy, nếu các dự án này được lựa chọn trong danh mục nguồn điện phát triển giai đoạn 2023-2030, thì các địa phương phải gửi văn bản (kèm hồ sơ) tới Bộ Công thương để Bộ có ý kiến thống nhất, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến thống nhất trước khi cấp chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư cho các dự án trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng sau này.

Với thực tế triển khai các dự án điện hiện nay và trên cơ sở đề xuất về danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn I sẽ phê duyệt danh mục các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành (chiếm 75% tổng công suất nguồn tăng thêm và lưới điện đấu nối đồng bộ, toàn bộ lưới truyền tải, bao gồm lưới điện đấu nối các nguồn điện nhập khẩu từ Lào, Trung Quốc…) và hình thức đầu tư các dự án.

Đồng thời, phê duyệt quy mô phát triển nguồn năng lượng tái tạo của các địa phương; danh mục các dự án điện gió trên bờ, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác... do một số địa phương đề xuất cơ bản đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương; được Bộ Công thương rà soát, thẩm tra và kiến nghị.

Giai đoạn II tiếp tục phê duyệt danh mục chi tiết các dự án điện gió trên bờ, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác… của các địa phương còn lại (bao gồm cả các địa phương đã cung cấp thông tin dự án, nhưng chưa hoàn thiện/chưa đáp ứng các tiêu chí trong giai đoạn I).

Trong giai đoạn II, địa phương nào tiếp tục đề xuất dự án nguồn điện không đảm bảo các tiêu chí, vượt nhiều so với quy mô công suất được phân bổ nêu trong Tờ trình số 8356/TTr-BCT, ngày 24/11/2023, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ nghiên cứu, xem xét phân bổ quy mô công suất nguồn điện của các địa phương này cho các địa phương lân cận  trên cơ sở đảm bảo đáp ứng cơ cấu nguồn điện của vùng, miền.

Nhận diện rủi ro của dự án điện

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt khiến nhiều người lo ngại về việc đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều dự án điện đã có trước khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành, nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư, trong đó, điển hình là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Được triển khai từ năm 2017 và đẩy nhanh tiến độ sau khi ký Hợp đồng EPC vào tháng 3/2022, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 đang được khẩn trương thi công với kế hoạch phát điện thương mại ngày 15/11/2024. Tuy nhiên, hiện Hợp đồng Mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa được ký kết chính thức, bởi còn các vướng mắc về giá điện, sản lượng mua điện hàng năm cũng như chi phí đầu tư.

Trường hợp khác là Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu) đã được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 1/2020, nhưng sau 4 năm vẫn chưa tới các bước cụ thể của đàm phán PPA. Đồng thời, một số đề xuất mà nhà đầu tư đưa ra được đánh giá là “chưa có tiền lệ” cũng không dễ được chấp nhận.

Trong Tờ trình lần thứ 5 (số 644/TTr-BCT ngày 26/1/2024) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương nhận diện các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện Quy hoạch Điện, gồm cơ chế, chính sách, thực hiện đầu tư, công nghệ và các rủi ro khách quan không thể dự báo được.

Rủi ro về cơ chế, chính sách cho ngành điện được nhắc tới là chưa theo kịp xu thế phát triển, đặc biệt trong những vấn đề mới như cơ chế phát triển các loại hình nguồn điện lưu trữ, phí truyền tải, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện... Bên cạnh đó, cơ chế để thực hiện xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải còn thiếu, dẫn tới khó triển khai. Với phát triển điện gió ngoài khơi, rủi ro được nhắc tới là thiếu khung pháp lý, cơ chế…

Đối với nhóm thực hiện đầu tư, thì khả năng chậm tiến độ các nguồn điện vì những quy định về an toàn môi trường, cấp phép ngày càng chặt chẽ, phức tạp; khó khăn trong đàm phán PPA gắn với khả năng thu xếp vốn; chậm đầu tư hạ tầng lưới điện do hạn chế về nguồn lực, cơ chế, thủ tục kéo dài, thiếu vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng điện hay các dự án lưới truyền tải do tư nhân đầu tư có khả năng khó thu hút đầu tư.

Dù Bộ Công thương có đưa ra một số giải pháp như xây dựng Luật Điện lực sửa đổi (gồm cả các quy định về phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện…), hoàn thành trong năm 2024; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong năm 2024; chế tài kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án điện cùng xác định trách nhiệm cụ thể trong năm 2024; hay cơ chế Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với việc sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh trong năm 2024-2025…, nhưng tất cả cũng mới chỉ là dự kiến.

Tin liên quan
Tin khác