Giới thiệu cây giống năng suất cao, chia sẻ phương pháp canh tác mới kết hợp phân bón sinh học, phát triển ứng dụng điện thoại theo dõi và chăm sóc khoai mì, đồng thời phối hợp thu mua tinh bột đảm bảo đầu ra cho người nông dân là các nội dung chính của Dự án "Khoai mì bền vững" do Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai tại 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sáng kiến "gỡ khó" cho nông dân trồng khoai mì
Khoai mì, hay còn gọi là sắn, được trồng rộng rãi ở nhiều khu vực tại Việt Nam, một số vùng có diện tích lớn và sản lượng khoai mì nổi bật như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ…, đặc biệt là các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai… Đây là nguồn thu nhập nuôi sống nhiều gia đình nông dân, tuy nhiên phương pháp canh tác khoai mì truyền thống thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, từ cây giống kém chất lượng, sâu bệnh hại, đến sử dụng phân bón hóa học dẫn đến năng suất thấp… Đặc biệt, ảnh hưởng của bệnh khảm lá khiến năng suất khoai mì giảm mạnh từ 40% - 50%, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Khoai mì đang mang lại thu nhập cho nông dân ở nhiều tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai |
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nông dân trồng khoai mì tại Bình Phước, chia sẻ: "Khi trồng khoai mì theo phương pháp truyền thống như trước đây, gia đình tôi thường xuyên phải đối mặt với tình trạng năng suất cây khoai kém do sâu bệnh hại, giống kém chất lượng và đặc biệt là bệnh khảm lá. Điều này khiến thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Tinh bột khoai mì vốn là nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất bột ngọt - sản phẩm trụ cột của công ty Ajinomoto Việt Nam. Nhiều năm nay, Ajinomoto Việt Nam thường xuyên nhập khối lượng lớn tinh bột khoai phục vụ hoạt động sản xuất bột ngọt. Thấu hiểu những khó khăn của nông dân trồng khoai mì, đồng thời hướng đến phát triển kinh doanh bền vững song hành cùng người nông dân, Ajinomoto Việt Nam đã nghiên cứu và phát triển dự án "Khoai mì bền vững" từ tháng 4/2023, một trong những sáng kiến giúp "gỡ khó" cho nông dân trồng khoai mì.
Ajinomoto Việt Nam đã triển khai Dự án với các nội dung chính bao gồm:
1. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp giống mới HN1 có năng suất cao và có khả năng kháng bệnh khảm lá cho người nông dân;
2. Giới thiệu phương pháp canh tác mới, kết hợp với sử dụng phân bón sinh học AmiAmi₋α;
3. Phát triển và đưa vào sử dụng ứng dụng "Khoai Mì - Aji" trên điện thoại thông minh, giúp người nông dân phát hiện sâu bệnh nhanh chóng, đồng thời theo dõi quá trình canh tác, mùa vụ và kiểm soát quá trình chăm sóc cây khoai mì tốt hơn;
4. Phối hợp với các đơn vị thu mua tinh bột đảm bảo đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất.
Nông dân phấn khởi khi năng suất khoai mì tăng từ 21 tấn lên 40 tấn trên 1 hecta
Sau 12 tháng triển khai, dự án bước đầu đã gặt hái được những thành quả tích cực. Cụ thể là năng suất khoai mì tại các hộ nông dân triển khai dự án đã tăng gần gấp đôi, từ 21 tấn lên 40 tấn trên 1 hecta, tỷ lệ hàm lượng tinh bột cũng cao hơn, giúp người nông dân tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
So sánh củ khoai mì sau khi triển khai dự án (bên trái) và trước (bên phải) cho thấy khoai mì từ giống mới HN1 có kích thước lớn hơn nhiều lần. |
Ông Nguyễn Hoàng Sơn phấn khởi chia sẻ: "Từ khi tham gia dự án năng suất cây khoai mì đã tăng gần gấp đôi từ 21 lên 40 tấn trên 1 ha khoai mì, tỷ lệ tinh bột cao hơn, nhờ vậy thu nhập của gia đình đã được cải thiện đáng kể, ổn định, trang trải cho cuộc sống gia đình, giúp tôi yên tâm sản xuất. Đặc biệt khi tham gia dự án, chúng tôi cũng được đảm bảo đầu ra cho cây khoai mì, bà con trồng khoai mì rất vui mừng phấn khởi và hi vọng dự án sẽ phát triển và được triển khai rộng rãi hơn”.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nông dân tại Bình Phước, phấn khởi thu hoạch khoai mì thuộc dự án "Khoai mì bền vững" do Ajinomoto Việt Nam triển khai |
Đặc biệt, Ajinomoto Việt Nam còn phát triển và đưa vào sử dụng phần mềm ứng dụng "Khoai Mì - Aji" trên điện thoại thông minh, giúp người nông dân phát hiện sâu bệnh nhanh chóng, đồng thời dễ dàng theo dõi quá trình canh tác, mùa vụ và kiểm soát quá trình chăm sóc cây khoai mì tốt hơn. Công ty cũng phối hợp với các đơn vị thu mua khoai mì đảm bảo đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất.
Nông nghiệp bền vững, giảm tác động đến môi trường
Không chỉ cải thiện đời sống cho người nông dân, dự án còn góp phần làm giảm tác động đến môi trường. Bằng việc sử dụng phân bón sinh học AMI-AMIα thay thế cho phân bón hóa học giúp làm giảm phát thải CO2 ra môi trường.
Nhân viên phòng Phòng Phát triển nông nghiệp - Công ty Ajinomoto Việt Nam kiểm tra tình trạng cây khoai mì giống mới |
“Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án khoai mì bền vững mà chúng tôi hướng đến là thông qua quá trình quang hợp của cây khoai mì để tạo tinh bột, khi năng xuất khoai mì tăng cao đã góp phần tăng hấp thụ CO2 trong môi trường Ajinomoto đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ triển khai dự án trên 20,000 ha khoai mì, giúp giảm lượng CO2 lớn, từ đó góp phần giảm tác động đến môi trường”. ông Lê Huy Ánh, Phòng Phát triển nông nghiệp - Công ty Ajinomoto Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh những đóng góp cho nền nông nghiệp bền vững và góp phần làm giảm tác động đến môi trường, Công ty Ajinomoto Việt Nam cũng đang triển khai những sáng kiến giá trị đóng góp vào cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc của người dân Việt Nam, như Dự án Bữa ăn Học đường, Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em, và Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP)…