Dự án khơi thông sông Cổ Cò đang được TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ. |
Dòng sông lấp
Sông Cổ Cò còn có tên thơ mộng là Lộ Cảnh Giang. Trong lịch sử, dòng sông này là tuyến đường thủy quan trọng, thuận tiện nối Đà Nẵng và Hội An, góp phần tạo nên sự sầm uất một thời của thương cảng Hội An. Nhưng từ cuối thế kỷ 19, sông Cổ Cò bắt đầu bị bồi lấp, kể từ đó thương cảng Hội An cũng dần đánh mất vị thế của mình.
Nuối tiếc về một dòng sông lịch sử và có nhiều ý nghĩa cho phát triển, kể từ khi tách tỉnh, hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã đề cập việc nạo vét để hồi sinh dòng sông này. Sông Cổ Cò dài 28 km, khi được khơi thông sẽ hình thành tuyến đường thủy nối cửa Hàn với cửa Đại, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương.
Thực tế cho thấy, từ khi có chủ trương khơi thông, khu vực ven dòng sông này đã phát triển nhanh chóng, với hàng loạt dự án đô thị mọc lên, hình thành trục đô thị dọc sông Cổ Cò. Tuy nhiên đến nay, con sông này vẫn chưa thể thông dòng. Hiện tại 9 km sông Cổ Cò qua địa phận Đà Nẵng cơ bản đã được khơi thông, nhưng địa phận Quảng Nam vẫn chưa hoàn thành việc nạo vét. “Không biết đến bao giờ sông Cổ Cò mới lại chảy thành dòng”, ông Đinh Cư, một người dân sống ở xã Điện Dương (thị xã Điện Bàn) nói.
Được biết, Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa bàn tỉnh Quảng Nam được đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương. Theo kế hoạch, ngoài việc nạo vét lòng sông rộng 90 m cho đồng bộ với đoạn tuyến tại Đà Nẵng, thì Quảng Nam cũng đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ Đông - Tây của sông Cổ Cò.
Về phía Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2020 sẽ triển khai đầu tư dự án. Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng, trong đó 245 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương từ chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, còn lại là vốn đối ứng của Thành phố. Trong 3 hạng mục cơ bản của Dự án thì hiện nay phần nạo vét, khơi thông cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn khoảng 150.000 m3 nữa là tới địa phận ranh giới Quảng Nam. Hạng mục kế tiếp là đầu tư bờ kè quy chuẩn dọc 2 bên bờ sông đang được triển khai.
Lấn cấn
Theo kế hoạch, đến tháng 9/2020, toàn tuyến sông Cổ Cò sẽ được khơi thông. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này đã gặp phải không ít vướng mắc. Trong đánh giá tác động môi trường trước đây, khi khơi thông sông Cổ Cò sẽ phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, không chỉ với sông Cổ Cò, mà tác động cả tới sông Cầu Đỏ, nơi có nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng, điều này khiến nhiều người lo lắng.
Ông Hồ Minh Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng lo ngại, khơi thông sông Cổ Cò, xâm nhập mặn tại sông Cầu Đỏ sẽ tăng gấp đôi, kéo dài cả mùa khô, như vậy việc cấp nước sinh hoạt cho TP. Đà Nẵng sẽ rất căng thẳng.
Còn ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, nếu tháo đập ngăn mặn Hà My thì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, bởi quanh khu vực đập Hà My hiện có khoảng 1.000 hộ dân sử dụng nước ngầm, 10 ha nuôi tôm.
Về vấn đề này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định quan điểm, mục đích khơi thông sông Cổ Cò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương là không thay đổi, vấn đề là phải nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, hạn chế thấp nhất tác động xấu về xâm nhập mặn.
“Toàn bộ vệt ven biển, ven sông Cổ Cò diện tích 2.700 ha quy hoạch là đô thị, không có sản xuất nông nghiệp ở đây. Vấn đề là chưa đô thị hóa hết, người dân trong diện giải tỏa còn ở lại dùng nước ngầm, sản xuất nông nghiệp. Trước mắt khi khơi thông sông Cổ Cò, khu vực nào nhiễm mặn, sẽ tính toán giải pháp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tạm thời cho người dân”, ông Thanh nói.
Được biết, ngày 14/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP. Hội An.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn thị xã Điện Bàn, nơi có khối lượng cần nạo vét sông Cổ Cò nhiều nhất, đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất 468 của hộ với 1.057 thửa. Hiện đã phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân.